Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực để nghệ thuật thăng hoa

Thụy Du| 03/11/2017 07:51

(HNM) - Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm ca múa nhạc liên quan mật thiết tới xu hướng thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Hội thảo về việc sáng tác, lưu hành tác phẩm ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Hà Nội gần đây là dịp để những người làm nghề bàn bạc,

Một cảnh trong vở opera “Lá đỏ”.



Thách thức của thời kỳ hội nhập

Sự phát triển sôi động, đa dạng của đội ngũ sáng tác, sự bùng nổ của chương trình truyền hình về sáng tác, biểu diễn và cách thức phổ biến tác phẩm trên mạng internet ngày nay đã tạo một kỷ nguyên rộng mở cho ca múa nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, công nghệ và mạng internet đã giúp những người yêu nhạc không có điều kiện đến nhà hát có thể thưởng thức các tác phẩm thường xuyên. Nhờ mạng xã hội mà người dân biết đến những chương trình nghệ thuật chất lượng cao như vở opera “Lá đỏ” (đã có 2.000 lượt xem sau nửa năm đưa lên trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam), chương trình “Bài ca tình yêu” của nhạc sĩ Doãn Nho, giao hưởng thơ “Đất nước anh hùng” của nhạc sĩ La Thăng… Mạng internet cũng là nơi quảng bá hiệu quả cho những sự kiện âm nhạc chuyên nghiệp, được đầu tư công phu như chương trình của nhạc sĩ Phó Đức Phương, Phú Quang hay đêm nhạc của ca sĩ Thanh Lam, Đăng Dương, Tùng Dương…

Bên cạnh mặt tích cực, hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm ca, múa, nhạc trong giai đoạn hiện nay cũng bộc lộ những bất cập. Chia sẻ về thực tế quản lý hoạt động này, ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Trong quá trình xét duyệt hồ sơ các chương trình biểu diễn, phát hành tác phẩm ca, múa, nhạc, chúng tôi thấy có nhiều tác phẩm mới lần đầu được công diễn. Nội dung tác phẩm không xâm phạm lợi ích quốc gia, không trái thuần phong mỹ tục nhưng chất lượng kém, lời lẽ ngô nghê. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, Sở vẫn phải cấp phép cho biểu diễn, lưu hành những tác phẩm này. Rất nhiều tác phẩm sau đó đi sâu vào đời sống, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến xu hướng thưởng thức âm nhạc của công chúng”.

Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), hiện nay, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tự do sáng tác và biểu diễn tác phẩm. Hơn nữa, thế giới internet rộng mở, nhiều tác phẩm ca, múa, nhạc không qua xét duyệt vẫn được tự do đăng tải trên mạng. Không ít trong số đó chất lượng kém, nội dung ca từ nhảm nhí, hình ảnh, trang phục phản cảm. Có nghe hoặc xem những clip ca nhạc như “Phiếu bé ngoan”, “Tan ka ka”… chắc phần đông người Việt đều lắc đầu ngao ngán. Nhưng làm sao để hạn chế các tác phẩm kém chất lượng lưu hành trong đời sống thì chính các nhà quản lý còn đang lúng túng, chưa biết phải “áp” những quy định pháp lý thế nào cho phù hợp.

Trên thực tế, giới trẻ là đối tượng tiếp cận tác phẩm ca, múa, nhạc bằng công nghệ hiện đại nhiều nhất, cũng là đối tượng chi phối hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật. Không ít tác phẩm “dị thường” về mặt hình thức, vay mượn ý tưởng âm nhạc, chỉ nhờ hình ảnh bắt mắt mà gây hiệu ứng mạnh trên mạng xã hội, được giới trẻ săn đón. Xu hướng sáng tác, đầu tư, phát hành những tác phẩm như vậy ngày càng rõ, khiến nhà quản lý, hoạch định xu hướng phát triển ca, múa, nhạc không khỏi lo lắng.

Thay đổi phương pháp quản lý

Nếu cứ để những sản phẩm ca, múa, nhạc kém chất lượng dễ dàng đi vào đời sống như hiện nay, mặt bằng thưởng thức nghệ thuật của công chúng có nguy cơ dần đi xuống. Hơn nữa, trước đà chuyển mạnh mẽ về phương tiện, công nghệ sáng tác, lưu hành, phổ biến tác phẩm ca, múa, nhạc sang dạng trực tuyến, phương tiện truyền thông số, các cơ quan chức năng phải thay đổi phương pháp quản lý.

Tất nhiên, không thể và không nên thực hiện biện pháp cơ học là hạn chế ảnh hưởng của internet hay cấm đoán bằng cách đưa ra những tiêu chí định lượng cụ thể đối với sáng tác mới. Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, việc quản lý hoạt động sáng tác, lưu hành, phổ biến tác phẩm nghệ thuật không phải là “gây khó dễ”, “bắt bẻ”, mà phải tạo động lực, khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm chất lượng, các nhà sản xuất đầu tư dàn dựng, biểu diễn tác phẩm hấp dẫn, giúp tác phẩm chất lượng thăng hoa.

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu nhận định, âm nhạc mà không có giá trị thì trước sau cũng bị đào thải. Thay vì chỉ trích dòng nhạc này, chê bai ca khúc nọ, tốt hơn là tìm cách làm ra những tác phẩm hấp dẫn. “Tại sao ca khúc “Lạc trôi” của ca sĩ Sơn Tùng MTP gây “bão” trên mạng với 131 triệu lượt nghe trên trang nghe nhạc trực tuyến của Zing và đạt 160 triệu lượt xem trên Youtube? Tại sao music video mới nhất của ca sĩ Mỹ Tâm chỉ nửa ngày phát hành đã có 400.000 lượt xem, gần 20.000 lượt yêu thích? Cần tìm hiểu những trường hợp này để học hỏi cách sản xuất những tác phẩm chất lượng”, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu nêu ý kiến.

Để đẩy mạnh việc đưa tác phẩm chất lượng cao đến công chúng, ông Nguyễn Văn Trực cho rằng, các cơ quan quản lý cần có chủ trương khuyến khích đầu tư sản xuất, lưu hành, phổ biến sáng tác đã được giới chuyên môn thẩm định, đánh giá chất lượng. Đây là nguồn tác phẩm có thể giúp định hướng thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng, cần được tạo điều kiện để lan tỏa trong đời sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực để nghệ thuật thăng hoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.