Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tưng bừng khai hội, náo nức niềm vui

Thanh Thủy - Vũ Thủy| 22/02/2018 06:45

(HNM) - Hôm qua (21-2), tại các di tích như đền Sóc (Sóc Sơn), chùa Hương (Mỹ Đức), đền Cổ Loa (Đông Anh)... đã diễn ra lễ khai mạc hội Xuân Mậu Tuất 2018.


Đẩy lùi tiêu cực

Không còn cảnh giẫm đạp, tranh cướp lộc bất chấp tính mạng của người khác, đó là điều mà phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận được tại không gian Lễ hội Gióng ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn). Sau phần tế lễ, phẩm vật gồm kiệu hoa tre, trầu cau được lưu lại đền Thượng và tổ chức phát cho người dân. Ban Tổ chức còn bố trí khu vực trưng bày và hướng dẫn du khách cách làm hoa tre. Không khí tại các điểm phát lộc ôn hòa hơn nhiều so với những mùa hội trước...

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại huyện Sóc Sơn.


Trực tiếp kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại đền Sóc ngày 21-2, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã hoan nghênh huyện Sóc Sơn có nhiều nét mới, bảo đảm an toàn trong công tác tổ chức lễ hội. Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá cao việc huyện đổi mới cả phần lễ và phần hội, tránh xảy ra việc cướp lộc.

Dù vậy, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, thời điểm hiện tại mới chỉ là khai mạc lễ hội, vì thế huyện Sóc Sơn cần tăng cường kiểm soát các hoạt động trong lễ hội bảo đảm văn minh, tránh hiện tượng cướp lộc, đổi tiền, cờ bạc dưới mọi hình thức.

Đúng 9h sáng 21-2, Thượng tọa Thích Minh Hiền đánh trống khai hội chùa Hương trước sự chứng kiến của đông đảo du khách. Kể từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đến nay, khu thắng cảnh Hương Sơn đã đón 17 vạn lượt khách về vãn cảnh, lễ chùa. Đặc biệt, trong ngày mùng 5 tháng Giêng, trước lễ khai hội một ngày, lượng du khách về dự tăng đột biến, lên tới 5 vạn lượt người nên có thời điểm một vài khu vực xảy ra ùn tắc cục bộ.

Trong sáng ngày khai hội, thời tiết se lạnh kèm mưa rơi khá dày nhưng dòng người vẫn không ngớt đổ về đây. Tuy số lượng người đông nhưng an ninh trật tự tại khu vực diễn ra lễ khai hội chùa Hương được bảo đảm. Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương chưa nhận được phản hồi tiêu cực nào về công tác tổ chức lễ hội. Việc giữ gìn an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được tăng cường...

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương chuẩn bị cho hai sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, bởi vậy, lượng du khách đông hơn mọi năm. Những vấn đề này đã được Ban Tổ chức dự liệu để có phương án tổ chức, quản lý hiệu quả, trong đó, việc phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đặc biệt chú trọng. Các hộ kinh doanh ở mặt đường đều phải có bảng tên, số điện thoại rõ ràng. Mọi hành vi nhũng nhiễu, ép giá du khách sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí là xử lý hình sự...

Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống

Lễ hội truyền thống không chỉ thu hút du khách bởi không gian tâm linh với những nghi thức quan trọng trong phần lễ, mà còn đặc biệt hấp dẫn công chúng bởi các hoạt động văn hóa truyền thống trong phần hội. Tại di tích đền Sóc năm nay, khu vực tổ chức lễ hội đã được mở rộng hơn để có thể đưa thêm nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian vào không gian lễ hội. Người dự hội có thể tham gia nấu cơm thi, theo dõi những màn đấu vật cổ truyền, cờ tướng, đánh đu, xem phần tái hiện lễ kéo mỏ...

Ban Tổ chức các lễ hội khác như Lễ hội đền Cổ Loa (Đông Anh), Hội chùa Trầm (Chương Mỹ), Hội gò Đống Đa (quận Đống Đa), Hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) cũng tăng cường nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Đó vừa là cách góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, vừa nhằm giảm tải lượng người tập trung tại khu vực hành lễ, tránh nguy cơ ùn tắc giao thông.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết: Năm nay, Ban Tổ chức tách riêng các khu vực tổ chức phần lễ và phần hội nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan thoáng đãng, tôn nghiêm cho khu vực thờ tự, đồng thời bảo đảm nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách.

Tương tự, tại Lễ hội đền Cổ Loa không có hàng quán la liệt dọc đường, không có điểm giữ xe tự phát với giá “cắt cổ”; không xuất hiện dịch vụ đổi tiền lẻ... Từ cổng di tích vào các điểm thờ tự, lực lượng an ninh, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện luôn hướng dẫn du khách thực hiện nghi thức dâng hương văn minh, an toàn, không đốt vàng mã, đặt tiền bừa bãi. Các hoạt động vui chơi, giải trí được người dân địa phương và du khách nhiệt tình tham gia.

Mùa lễ hội năm 2018 vừa mới khai mạc và sẽ còn diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra tại một số lễ hội quan trọng được tổ chức trong ngày mùng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất, có cơ sở để tin rằng mùa lễ hội trên địa bàn Thủ đô năm nay sẽ diễn ra suôn sẻ, không còn nhiều cảnh “chướng tai, gai mắt” như những năm trước.

Ngày 21-2, các đồng chí Ủy viên Trung ương đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đã dự Lễ kỷ niệm 1978 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng; khai mạc Lễ hội và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tưng bừng khai hội, náo nức niềm vui

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.