Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa Quy tắc ứng xử vào cuộc sống: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Nguyễn Thanh| 01/04/2018 08:14

(HNM) - Sau một năm, việc triển khai thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” (gọi tắt là Quy tắc ứng xử) đã tạo hiệu quả nhất định.


Còn nhiều hạn chế

Theo thống kê của Sở Nội vụ Hà Nội, trong năm 2017, toàn thành phố có 8 triệu hồ sơ, thủ tục cần được giải quyết thì có tới 108 nghìn hồ sơ thực hiện không đúng hạn. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như quy định hiện hành còn chồng chéo, một số loại hồ sơ phải liên thông nhiều cấp, nhiều ngành… thì còn nguyên nhân chủ quan - liên quan tới sự hạn chế về phẩm chất, năng lực, cung cách ứng xử của một số cán bộ, công chức; sự thiếu quan tâm chấn chỉnh công tác giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan, đơn vị.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam


Thông tin từ Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội cho thấy, hiện nay, còn không ít cán bộ, công chức có lề lối làm việc, tác phong, kỹ năng giao tiếp, thực thi công vụ… vi phạm Quy tắc ứng xử. Điển hình là việc cán bộ bỏ công sở trong giờ hành chính - như đã xảy ra tại UBND xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai); tình trạng “om” hồ sơ, phát ngôn không đúng mực trước dân, “buôn chuyện” trong giờ làm việc… ở phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), xã Di Trạch (huyện Hoài Đức), xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh).

Dấu hiệu “cò mồi”, môi giới làm thủ tục nhanh xuất hiện tại không ít sở, ngành, đơn vị như Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tư pháp, Bệnh viện Nam Thăng Long… Bên cạnh đó, ở một số nơi từng chịu “tai tiếng” trong giải quyết thủ tục hành chính, như ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa), việc thực thi công vụ vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Đáng kể là với hầu hết hạn chế kể trên, phải đến lúc Đoàn kiểm tra công vụ thông báo cụ thể về hành vi tiêu cực, sự hạn chế thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị mới nắm bắt được sự việc. Thậm chí, có trường hợp vi phạm Quy tắc ứng xử là người vừa được suy tôn danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh việc lắp camera giám sát tại bộ phận “một cửa” đã triển khai tới cấp xã, phường, cũng như về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra hiện tượng “bất tuân” Quy tắc ứng xử ở địa bàn mình phụ trách.

Ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu thừa nhận: “Hệ thống camera giám sát chỉ có hình, không có tiếng nên khó phát hiện nhân viên bộ phận "một cửa" ứng xử không phù hợp với người dân”.

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn khẳng định có thiếu sót trong công tác kiểm tra, kiểm soát nên đã để xảy ra hành vi tiêu cực, vi phạm Quy tắc ứng xử.

Tuyên truyền, vận động kết hợp áp dụng chế tài

Theo Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động, một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện Quy tắc ứng xử chưa đạt hiệu quả như mong muốn là việc triển khai Quy tắc mới chỉ dừng ở mức tuyên truyền, vận động ký cam kết, kiểm tra, nhắc nhở…, chưa có chế tài xử phạt nên một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động chưa tự giác thực hiện.

Những tồn tại nói trên có thể sớm được khắc phục khi mới đây Sở Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo chế tài xử lý với 114 tình huống vi phạm, 7 hình thức xử phạt - từ nhắc nhở đến buộc thôi việc. Sau khi được HĐND TP Hà Nội thông qua, chế tài sẽ được thực hiện thí điểm tại Sở Nội vụ rồi từng bước áp dụng rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, TP Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát quy trình, thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống công nghệ điện tử nhằm giải quyết một lượng lớn thủ tục qua mạng, qua đó hạn chế tình trạng sách nhiễu; đẩy mạnh xây dựng quy trình phân loại cán bộ, công chức nhằm siết chặt kỷ cương; tăng cường hơn nữa thanh tra công vụ, nối mạng hệ thống giám sát để người dân cùng tham gia quy trình này...

Trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị sẽ được đề cao hơn khi Thường trực HĐND thành phố yêu cầu người đứng đầu các cấp phải trực tiếp phổ biến nội dung Quy tắc ứng xử, quy chế làm việc và chế tài tới cán bộ, nhân viên, và phải chịu trách nhiệm khi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở đơn vị mình vi phạm Quy tắc ứng xử.

Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương (Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh), để đẩy lùi hiện tượng trên, giải pháp cốt lõi vẫn là tập trung xây dựng văn hóa công sở, mà điểm nhấn là tự giác thực hiện các quy chế, quy tắc đã được ban hành. Phải làm sao để duy trì việc thực hiện Quy tắc ứng xử thường xuyên, liên tục, qua đó hình thành và làm lan tỏa nếp văn hóa ứng xử chuẩn mực trong môi trường công sở. Cùng với đó, cần áp dụng chế tài một cách nghiêm túc, tạo sức răn đe đủ mạnh để đẩy lùi thói vô cảm cũng như hành vi tiêu cực phát sinh trong quá trình thực thi công vụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa Quy tắc ứng xử vào cuộc sống: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.