Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Mường bảo tồn văn hóa cồng chiêng

Sơn Tùng| 22/07/2018 07:53

(HNM) - Ít người biết rằng, khi hợp nhất từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về với Hà Nội, nhiều bà con dân tộc Mường ở các xã: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) chưa biết đánh cồng chiêng.


Gắn bó với cồng chiêng Mường từ nhỏ, bà Bùi Thị Bích Thìn ở thôn Đồng Dâu (xã Tiến Xuân) chia sẻ, cách chơi cồng chiêng của người Mường ở Hà Nội khác với Tây Nguyên. Cồng của người Mường Thạch Thất có quai xách, khi chơi mỗi người xách một cồng; còn cồng ở Tây Nguyên, người ta treo bộ chiêng trên giá chiêng. Cồng chiêng của người Mường Thạch Thất có núm ở giữa, của người Tây Nguyên không có núm. Ngay cả tiếng chiêng của người Mường vùng Thanh Hóa, Nghệ An cũng khác với người Mường ở Hà Nội.

Một bộ cồng chiêng của người Mường ở Thạch Thất có từ 12 đến 17 chiếc, nhưng thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Tiếng cồng chiêng được ngân vang trong ngày lễ hội, ngày Tết cổ truyền thay lời chúc cho gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui.

"Đặc sắc là vậy nhưng trước đây, vì mải lo mưu sinh trong thời gian dài, trong khi người già biết chơi cồng chiêng thì dần mất đi, thế hệ trẻ kế cận ít người quan tâm nên văn hóa cồng chiêng ở đây dần mai một", bà Bùi Thị Bích Thìn cho hay.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc Mường muốn khôi phục lại nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình nên năm 2009, huyện Thạch Thất đã đầu tư cho ba xã miền núi: Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung, mỗi xã 2 bộ cồng chiêng để đồng bào sử dụng. Cùng với đó, huyện Thạch Thất đã mời các nghệ nhân đánh cồng chiêng uy tín của tỉnh Hòa Bình mở lớp dạy nghệ thuật cồng chiêng cho đồng bào Mường, thu hút hàng trăm người tham gia.

Nhờ đó, từ năm 2009 đến nay, số bộ cồng chiêng ở các xã tăng lên nhanh chóng một phần do Nhà nước hỗ trợ, một phần là của những người dân vì yêu cồng chiêng đã tự mua sắm. Hiện 100% các thôn đều có bộ cồng chiêng mới, điển hình như xã Yên Bình có 10 thôn thì có tới 13 bộ cồng chiêng...

Bà Nguyễn Thị Loan ở thôn Dân Lập (xã Yên Bình) chia sẻ: "May mắn được tham gia lớp học, tôi đã hiểu và càng thêm yêu quý văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Nhớ lại những ngày đầu cầm chiêng không đúng quy cách, tiếng gõ thì đứt nhịp, không thành điệu, nhưng nhờ sự chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân mà đến nay ai cũng biết chơi thành thạo".

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần chia sẻ, khi địa phương mới về với Thủ đô, chúng tôi cũng lo lắng văn hóa núi rừng bị nhạt nhòa, nhưng được thành phố quan tâm mở các lớp dạy học cồng chiêng, nhờ đó, văn hóa nơi đây được phục dựng. Không chỉ vậy, thành phố và huyện Thạch Thất còn quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng khang trang, rộng rãi.

Hằng năm, ở đây đều tổ chức các hội thi, giao lưu văn hóa cồng chiêng để các thôn, xã học tập, khích lệ nhau gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc. Đáng mừng là từ chỗ hầu hết người Mường trên địa bàn xã không biết đánh cồng chiêng, nay cả xã đã có 20 đội cồng chiêng.

Tuy nhiên, do thời gian học ngắn nên nhiều người Mường ở Thạch Thất mới biết sử dụng sơ bộ 7 chiêng chính và biểu diễn được các động tác, bài hát cơ bản, chứ chưa biết thẩm âm, phối âm nên chưa đủ kiến thức để dạy lại cho dân làng. Hiện chỉ có số ít người sử dụng điêu luyện, thành thục cả bộ cồng chiêng, trong đó đa phần là người cao tuổi.

Vì vậy, để duy trì tốt nét đẹp văn hóa cồng chiêng người Mường, rất cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương, đặc biệt là phải tổ chức thường xuyên ngày hội cồng chiêng ở các bản làng để người trẻ thêm yêu văn hóa quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Mường bảo tồn văn hóa cồng chiêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.