Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nền móng từ cơ sở

Quỳnh Anh| 31/01/2012 06:56

(HNM) - Sau hơn 1 năm ra mắt, Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã đã thu được nhiều thành tích đáng kể trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức của người dân về phòng chống tệ nạn xã hội...

Nhằm xã hội hóa và huy động nguồn lực ở cơ sở tham gia công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm, ngày 22-9-2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 48/2010/ QĐ-UBND về việc thành lập Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã, phường, thị trấn. Đội có vai trò như "tai mắt" của chính quyền cơ sở, cung cấp thông tin về nguy cơ tệ nạn xã hội trên địa bàn; phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành luật về phòng, chống ma túy, mại dâm; hỗ trợ việc lập hồ sơ đưa người mắc tệ nạn xã hội vào các trung tâm chữa bệnh, giáo dục; vận động các gia đình ký cam kết chống ma túy, mại dâm; tiếp cận công tác tư vấn gia đình, cá nhân thực hiện các chính sách xã hội liên quan tới phòng chống ma túy, mại dâm; động viên, giúp đỡ gia đình và cá nhân tái phục hồi, hòa nhập với cộng đồng…

Tình nguyện viên TP Hà Nội tham dự hội thi “Tình nguyện viên với công tác tuyên truyền, tư vấn phòng chống ma túy mại dâm HIV/AIDS khu vực phía Bắc năm 2011”.

Sau hơn 1 năm, Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn thành phố có 577 đội với 5.187 tình nguyện viên. Các đội luôn đặt công tác tuyên truyền, giáo dục lên hàng đầu. Từ năm 2010 đến nay, các đội đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện 16.622 buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt tổ dân phố lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội; in ấn, cấp phát 202.920 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về phòng và chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm cho quần chúng nhân dân; làm mới và tân trang 700 pano, áp phích, tranh cổ động đặt tại các khu vực công cộng. Các đội đã vận động 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm ký cam kết không vi phạm các tệ nạn mại dâm, 123.048 hộ gia đình cam kết xây dựng gia đình không có tệ nạn ma túy...

Ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, thực hiện phương châm "vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người", thời gian qua các tình nguyện viên thường xuyên tiếp cận và làm việc với người dân để tuyên truyền, vận động, nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời các điểm, tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm. Các tình nguyện viên xây dựng được mối quan hệ tốt với thôn làng, tổ dân phố, xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở, kết hợp phát động quần chúng nhân dân tham gia, phòng chống tệ nạn xã hội. Kết quả cho thấy, năm 2010 các tình nguyện viên nhận được 9.264 tin, thư qua điện thoại, hòm thư tố giác của quần chúng nhân dân, năm 2011 là 4.548 tin, thư. Nhờ đó, nhiều điểm nóng phức tạp về tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội đã được cải thiện đáng kể.

Nổi bật nhất trong hoạt động của các đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã là giúp đỡ những đối tượng nghiện ma túy, mại dâm từ các trung tâm trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, lực lượng tình nguyện viên đã hỗ trợ trực tiếp 7.058 đối tượng nghiện sau cai và có nguy cơ cao dễ mắc nghiện ma túy; dạy nghề và tìm việc làm cho 633 đối tượng; giúp đỡ 89 đối tượng vay vốn sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống. Có 625 đối tượng nhờ được quan tâm, giúp đỡ thường xuyên nên sau một năm không tái nghiện... "Hầu hết các tình nguyện viên đều đã phát huy được vai trò chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong vận động, cảm hóa, giáo dục người mắc tệ nạn xã hội. Các đội đã giúp chính quyền trong việc tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội. Có thể nói, đây là "tai mắt" của chính quyền cơ sở, góp đáng kể vào hiệu quả mang tính bền vững trong phòng, chống tệ nạn xã hội" - ông Hoàng Thành Thái khẳng định.

Hiện hầu hết các đội tình nguyện đã đi vào hoạt động ổn định, tạo ra cầu nối giữa chính quyền và người dân, giữa các đối tượng mắc tệ nạn xã hội với các cấp, các ngành, đoàn thể địa phương. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, đội cũng gặp không ít khó khăn, trong đó cái khó nhất là nguồn kinh phí để tổ chức các chương trình truyền thanh, tài liệu tuyên truyền, phát động các phong trào... Phát huy được vai trò của đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã là phát huy được ưu thế của một nhóm xã hội rất quan trọng của cộng đồng để phòng, chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội, góp phần đem lại sự an bình cho xóm làng, phường, xã… Xây dựng, phát triển đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã là một hướng đi đúng, cần được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nền móng từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.