Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý hoạt động y tế tư nhân: Lộ nhiều lỗ hổng

Lộc Bình| 23/07/2012 06:45

(HNM) - Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động y tế, Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân, Luật Khám chữa bệnh, các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành đã được ban hành.

Các cấp ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa việc quản lý các hoạt động y tế tư nhân.


San sẻ gánh nặng quá tải

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 31-12-2011, trên địa bàn thành phố có 29 BV tư nhân với hơn 1.000 giường bệnh; 1.290 PK chuyên khoa và 232 PK đa khoa. Năm 2011, các BV tư nhân đã khám chữa bệnh (KCB) cho 1.176.291 lượt người, trong đó số lượt người bệnh điều trị nội trú là 35.302 lượt, thực hiện 3.543 ca phẫu thuật đặc biệt...; các PK tư nhân cũng đã đón tiếp gần 1,9 triệu lượt người bệnh. Hoạt động của hệ thống y tế tư nhân (HTYTTN) trên địa bàn còn có sự tham gia KCB của các bác sĩ người nước ngoài. Hà Nội hiện có 27 bác sĩ nước ngoài đang tham gia KCB, trong đó có 7 bác sĩ người Trung Quốc và 20 bác sĩ mang quốc tịch Pháp, Đức, Nhật, Nga... Sự tham gia của họ không chỉ đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân, người nước ngoài đang công tác và làm việc tại Hà Nội mà còn giúp cho các bác sĩ, điều dưỡng trong nước có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm, phương pháp điều trị mới.

Sự phát triển của HTYTTN cũng góp phần giảm tải, chia sẻ gánh nặng cho các BV công, giúp người dân có nhiều hơn cơ hội lựa chọn nơi chăm sóc sức khỏe, đồng thời phần nào đó tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong công tác KCB.

Tăng gánh nặng quản lý

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của HTYTTN trong thời gian qua cũng cho thấy một số vấn đề còn hạn chế, phần nào làm lu mờ những đóng góp trên, nhất là sau vụ việc vừa xảy ra ở PK Maria và trước đó là các PK Đông y Trung Quốc. Kết quả những cuộc thanh tra gần đây của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, nhiều PK tư nhân chạy theo lợi nhuận, tùy tiện nâng giá KCB, kê đơn nhiều loại thuốc ngoại không cần thiết, hành nghề quá phạm vi chuyên môn... Có cơ sở do thiếu trách nhiệm đã gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí lấy đi tính mạng người bệnh như tại PK Maria mới đây và PK phẫu thuật thẩm mỹ ở 257 đường Giải Phóng hồi năm ngoái.

Nơi biểu hiện một cách tập trung nhiều nhất những vi phạm là các PK Đông y Trung Quốc. Và đây cũng lại là nơi cho thấy rõ nhất kết quả của công tác quản lý. Nếu như năm 2010, Hà Nội có 19 cơ sở KCB y học cổ truyền ngoài công lập và 23 thầy thuốc người Trung Quốc tham gia KCB thì thống kê 6 tháng đầu năm 2012 chỉ còn 4 bác sĩ người Trung Quốc đang tham gia KCB và 1 PK đa khoa có 2 bác sĩ giúp việc. Lý do dẫn đến số bác sĩ người Trung Quốc tham gia KCB ngày một giảm, một phần là do kết quả công tác thanh tra, kiểm tra. Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, mỗi năm, mỗi cơ sở y tế tư nhân phải được thanh tra 1 hoặc 2 lần.

Quá trình thanh tra cho thấy những vi phạm thường gặp ở PK tư nhân có bác sĩ nước ngoài tham gia KCB tại PK nhưng khi vắng mặt hoặc về nước nhưng không báo cáo; bác sĩ tham gia KCB không có chứng chỉ hành nghề, chưa có giấy cho phép hành nghề; cơ sở KCB thực hiện quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được Sở Y tế phê duyệt.

Lỗ hổng quản lý vì thiếu đồng bộ

Sự việc xảy ra ở PK Maria đã buộc các đơn vị có trách nhiệm phải siết chặt công tác quản lý. Nhưng những động thái như tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất, thường xuyên, xử phạt nghiêm các vi phạm ở mức cao nhất như thu hồi giấy phép, đóng cửa PK... chưa đủ để người ta không muốn, không dám và không thể vi phạm các quy định. Bởi có một thực tế là hành lang pháp lý, các quy định, chế tài của các văn bản luật pháp còn chưa hoàn thiện, xuất hiện nhiều lỗ hổng và kẽ hở tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. Trách nhiệm được quy cho nhiều ngành khiến cho việc quản lý càng thêm khó và khi có sai phạm cũng khó "vạch mặt, chỉ tên". Chỉ nói riêng về việc quảng cáo, dù Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông đã ký thông tư liên tịch quy định nội dung quảng cáo phải được ngành y tế kiểm duyệt, nhưng thực tế là, hầu hết các PK bị thanh, kiểm tra đều mắc lỗi quảng cáo quá phạm vi chuyên môn do lỗ hổng từ khâu kiểm duyệt của các nhà đài. Trong khi đó, người bệnh lại tin tưởng vào sóng phát thanh, sóng truyền hình nên rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang". Bên cạnh đó, mức xử phạt quá thấp không đủ sức răn đe; trách nhiệm của các chủ đầu    tư hay người chịu trách nhiệm chuyên môn chính của PK cũng chưa có chế tài để siết chặt khiến họ đã vì lợi nhuận mà làm ngơ, bao che thậm chí tham gia vào những việc làm thiếu y đức.

Bởi thực tế trên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền bày tỏ mong muốn: Việc quản lý PK tư nhân, nhất là PK có yếu tố nước ngoài, rất cần có sự tham gia đồng bộ, tích cực từ Công an Hà Nội, Sở Tư pháp, Sở LĐ-TB&XH và cả các cơ quan truyền thông. "Về phía ngành, ngoài việc mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, hiểu biết về quy phạm pháp luật cho chủ PK, chủ đầu tư, bác sĩ… tới đây, Sở sẽ tăng cường kiểm tra giám sát đột xuất, xử lý nghiêm minh, không bao che, dung túng cho bất cứ hành động nào coi thường tính mạng, sức khỏe của người dân" - ông Hiền khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hoạt động y tế tư nhân: Lộ nhiều lỗ hổng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.