Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hành trình trên đất phù sa”

Đỗ Vượng - Nam Phong| 26/08/2012 06:57

(HNM) - Bản lĩnh, dấn thân và nhiệt huyết, những bạn trẻ sinh viên Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã có một hành trình đạp xe dài 1.300km đầy thú vị và ý nghĩa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Về với người dân sông nước, các bạn trẻ đã có thêm vốn sống, kiến thức bổ ích cho học tập và công việc trong tương lai.

Bốn sinh viên đến từ Thủ đô Hà Nội tham gia đoàn “Hành trình trên đất phù sa” tại TP Hồ Chí Minh.

Khát khao cống hiến

Vừa về tới TP Hồ Chí Minh sau chuyến đi dài ngày trong chương trình đạp xe xuyên 13 tỉnh miền Tây mang chủ đề: "Hành trình trên đất phù sa", bạn trẻ Nguyễn Duy Nam, một kỹ sư công nghệ thông tin vừa tốt nghiệp Trường Đào tạo lập trình viên Hà Nội - Aptech, chăm chú chỉnh sửa, ghép đoạn những clip hay nhất, mới nhất để chuẩn bị tiết mục cho đêm tổng kết. Nhìn những đoạn video với những hình ảnh thân thuộc, gần gũi như giúp đỡ dân đào đắp đường, dạy học, tổ chức các trò chơi dân gian, liên hoan văn nghệ cho các em thiếu nhi… Nam bồi hồi: "Ngày đầu tiên là ở TP Tân An (Long An), trong "Ngày hội tương lai" có khoảng hơn 300 em học sinh Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú đến tham dự. Gian hàng nghề nghiệp của chúng tôi gồm các ngành nghề như bác sỹ, giáo viên, họa sĩ, nhiếp ảnh… và một số gian hàng trò chơi đập heo đất, nhảy dân vũ… được rất nhiều em đến khám phá. Thú vị nhất là các em được đóng vai bác sỹ, bệnh nhân, tiến hành đo nhịp tim, khám bệnh …".

Câu chuyện của cô sinh viên trẻ Nguyễn Thị Yến (năm thứ 2, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho thấy bản lĩnh của nhiều người trẻ hôm nay đã chủ động dấn thân tham gia các hoạt động xã hội. Sau chuyến đi thực tập 1 tháng, trong túi Yến còn vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng. Không dám xin tiền gia đình, Yến quyết định mua vé tàu trị giá 530.000 đồng, cùng với bạn lên tàu vào miền Nam. Chuyến đi đầu tiên trên con tàu Thống Nhất chạy dọc đất nước đã mang lại cho cô giáo tương lai Nguyễn Thị Yến nhiều cảm xúc sâu sắc về những miền quê yên bình trên dải đất hình chữ S. "Ba ngày hai đêm trên tàu thực sự là trải nghiệm quý giá với em. Nhất là khi đi qua mảnh đất nắng gió miền Trung, ùa về trong em là hình ảnh những con người bé nhỏ oằn lưng chống chọi trước lũ dữ." - Yến bộc bạch.

Ngày đến Ga Sài Gòn, Yến cùng người bạn đồng hành về đại bản doanh đoàn "Hành trình trên đất phù sa" tại TP Tân An (tỉnh Long An) để… đạp xe: "Khi bắt đầu hành trình em không nghĩ mình có thể vượt qua được 1.300km. Những ngày đầu rất mệt, địa hình các tỉnh miền Tây nhiều cầu, nhiều sông rạch rất khó di chuyển, có lúc chán nản, rồi khóc vì nhớ gia đình muốn quay về Hà Nội ngay. Những lúc như thế, hình ảnh cô Huỳnh Thị Kiều Thu vẫn một mình đạp xe từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội dù mang trong mình những khối u của 18 năm ung thư, đã khiến phút giây yếu lòng của chúng em qua đi!". Yến sôi nổi kể lại những tháng ngày dầm dãi của chuyến hành trình về miền Tây giúp những người nông dân nghèo tiếp cận gần hơn với khoa học công nghệ, định hướng nghề nghiệp cho học sinh…

Dệt ước mơ xanh

Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với những chàng trai, cô gái Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ là chuyện ăn uống, sinh hoạt ở đất miền Tây. "Đồ ăn thì quá ngọt lại cay nữa. Những ngày đầu chúng em phải "đánh vật" vì những bữa ăn, sau riết cũng quen. Bây giờ ăn thì ăn, uống như thế nào chúng em cũng chịu được!" - Bùi Văn Sơn, chàng trai đến từ huyện Quốc Oai (Hà Nội) tâm sự. Với phong cách như một thủ lĩnh của nhóm bạn cùng đi, Sơn đã tự tin hơn hẳn sau chuyến hành trình.

Khác với Sơn, đến từ ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), bạn Vũ Thùy Linh đã nghiên cứu, đọc, xem, nghe nhiều về đời sống người dân miền Tây qua sách báo, truyền hình nên đã hiểu phần nào về giọng nói, ăn uống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Linh cho biết bạn đã dịch nhiều tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt về những địa danh du lịch ở miền Tây trước khi tham gia chuyến đi. Khi đến đây, trải nghiệm thực tế đã bổ sung thêm được nhiều kiến thức, chất liệu cuộc sống phục vụ cho việc học tập và công tác sau này.

Chương trình đạp xe xuyên miền Tây - "Hành trình trên đất phù sa" năm 2012 do Nhà Văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh phối hợp với Nhóm Tương lai xanh tổ chức diễn ra trong vòng một tháng, kéo dài từ giữa tháng 7 đến tháng 8 năm 2012. Đoàn có 80 thành viên tham gia, đã đạp xe vượt hơn 1.300km qua 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Anh Nguyễn Kim Đồng, Phó Chủ tịch Tổ chức Hành trình xanh Việt Nam, Chủ tịch Hành trình xanh khu vực phía nam cho biết, các thành viên của đoàn đã thực hiện tốt phương châm "Tận tâm - tận lực - thiết thực - hiệu quả" với nhiều hoạt động ý nghĩa như trao tặng tủ sách Tia sáng, học bổng, khám chữa bệnh miễn phí, thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, tổ chức ngày hội tương lai với thông điệp "Gieo ước mơ, ươm mầm tương lai" cho các em thiếu nhi tại các địa phương…

"Hành trình trên đất phù sa" đã tổ chức 5 đêm nhạc với chủ đề "Miền Tây thân yêu" gây quỹ học bổng cho trẻ em nghèo; tặng 200 tủ thuốc cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, khám chữa bệnh miễn phí cho những gia đình khó khăn; tặng 1.000 áo phao cho các em học sinh; tặng 200 chiếc xe lăn cho người khuyết tật; thực hiện một số công trình thanh niên như đắp đê, nạo vét kênh mương, trồng rừng ngập mặn…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hành trình trên đất phù sa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.