Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán bộ né trách nhiệm, người dân bức xúc

Hương Ly| 08/11/2012 06:33

(HNM) - Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho thấy cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp nhận, xử lý hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu nại tố cáo (trong thời gian từ năm 2003 đến 2010). Trong số đó, khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm gần 70%. Vì vậy, phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội (QH) về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai ngày 7-11 đã "nóng" ngay từ những phút đầu tiên bởi những ý kiến góp ý thẳng thắn của ĐBQH về vấn đề này.

Lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề nóng dẫn đến khiếu kiện đông người. Ảnh: Bá Hoạt

Khiếu nại, tố cáo kéo dài - lỗi do đâu?

KNTC đông người, phản ứng thái quá trước những quyết định hành chính của địa phương liên quan đến lĩnh vực đất đai là một trong những "điểm nóng" của dư luận trong thời gian qua. Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, tính từ năm 2003 (thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực) đến năm 2010, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư KNTC trong đó đơn thư liên quan đến đất đai chiếm 69,79%. KNTC của người dân đối với các quyết định hành chính về đất đai chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khoảng 70%). Mặc dù, trong các vụ KNTC đã được cơ quan chức năng thụ lý, số vụ khiếu nại sai chiếm tới 52,2%; số vụ tố cáo sai chiếm 54,2%, song trên thực tế, công tác giải quyết KNTC vẫn còn nhiều bất cập. Tổng hợp số liệu của 28 tỉnh cho thấy, các địa phương đã ban hành hơn 1,5 triệu quyết định hành chính, trong đó có tới 44.304 quyết định bị người dân KNTC.

Trước thực trạng này, ĐB Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, tụ tập đông người là do cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai vừa yếu lại vừa thiếu. Tại nhiều địa phương, công tác quản lý đất đai lỏng lẻo, để xảy ra vi phạm lấn chiếm đất nhưng không phát hiện, xử lý kịp thời hoặc cố tình bao che vì lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Công tác thu hồi đất, xác định giá đất... còn để xảy ra sai sót hoặc thực hiện thiếu công khai, minh bạch. Có trường hợp cán bộ làm công tác bồi thường khi thu hồi đất cố tình làm sai để sách nhiễu, tiêu cực. Trong khi đó, việc tổ chức giải quyết KNTC của các cơ quan chức năng vẫn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Một số vụ việc cấp dưới sai nhưng cấp trên cố tình bao che, hoặc cấp dưới không tổ chức thực hiện kịp thời các quyết định của cấp trên. Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng) nhận định, nhiều cơ quan chức năng khi thụ lý các vụ KNTC về đất đai còn thiếu trách nhiệm, giải quyết không kịp thời, kết luận thiếu chính xác, gây phiền hà cho công dân. Đến khi công dân yêu cầu thực hiện đúng pháp luật thì có thái độ né tránh trách nhiệm khiến công dân từ chỗ không đồng tình trở nên bức xúc.

ĐB Ly Kiều Vân (đoàn Quảng Trị) cho rằng, tình trạng KNTC về đất đai hiện nay là do sự bất cập của hệ thống chính sách pháp luật về đất đai: Chưa đồng bộ, thiếu tính ổn định, chưa theo kịp cơ chế thị trường... Một số quyết định hành chính như bồi thường chưa đúng đối tượng, xác định vị trí diện tích đất chưa đúng dẫn đến tình trạng các quyết định thu hồi đất dù được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục nhưng người dân vẫn khiếu nại. Thực tế này cho thấy, KNTC liên quan đến đất đai là vấn đề xã hội phức tạp, nếu không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Giải quyết dứt điểm, tránh chuyển đơn lòng vòng

Đối với những vụ việc tồn đọng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết của QH và Chỉ thị của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành thành lập 28 tổ công tác làm việc với 53 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở rà soát 528 vụ KNTC tồn đọng kéo dài, các đoàn kết luận còn 509 vụ khiếu nại, 19 vụ tố cáo, trong đó khiếu nại về đất đai là 422 vụ, chiếm 79,9%... Sau khi cơ quan chức năng tổ chức đối thoại, đa số người dân đã rút khiếu nại. Tuy nhiên, có 143 vụ đã xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý rồi nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Những trường hợp này đã xin ý kiến Chính phủ và bàn với các địa phương tiến hành chấm dứt thụ lý bởi nếu nhận thụ lý thì cũng không còn cách để giải quyết.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, các vụ khiếu kiện đông người hiện nay diễn ra nhiều nhất trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phần lớn đang chờ kết quả giải quyết. Song với hơn 500 vụ khiếu kiện tồn đọng kéo dài, cần phải xem lại trách nhiệm phục vụ của cán bộ tại một số địa phương. Bởi trên thực tế, nhiều nơi có hiện tượng đùn đẩy, giải quyết KNTC không đến nơi, đến chốn gây bức xúc cho người khiếu nại và toàn xã hội. Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ phấn đấu hoàn thành cơ bản việc giải quyết KNTC theo tiến độ QH đề ra, bảo đảm chất lượng và hạn chế tối đa các vụ việc mới phát sinh. Để thực hiện điều này, sau khi cơ quan chức năng đối thoại làm rõ việc KNTC thì người dân phải tự nguyện chấm dứt khiếu kiện. Phía cơ quan chức năng sau khi đã xem xét đúng pháp luật, thấu lý đạt tình rồi thì công bố công khai chấm dứt khiếu kiện, tránh tình trạng chuyển đơn lòng vòng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang:

Người dân thiếu tin tưởng quyết định của địa phương


Trên thực tế nhiều vụ KNTC liên quan đến đất đai, địa phương chưa biết mà TƯ đã biết là do người dân khiếu nại vượt cấp. Lý do là họ thiếu tin tưởng vào quyết định ở địa phương. Để giải quyết dứt điểm các vụ KNTC trong lĩnh vực đất đai, ngoài việc khắc phục những bất cập về pháp lý, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai ở các cấp vì lĩnh vực này hiện đang có rất nhiều "vấn đề". Giải quyết thỏa đáng KNTC về đất đai từ địa phương với sự đồng thuận cao giữa Nhà nước - công dân chính là con đường ngắn nhất để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội và hạn chế những vụ việc mới phát sinh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ né trách nhiệm, người dân bức xúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.