Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tin xử lý “xe không chính chủ” là do hiểu chưa đúng

Thành Tâm| 11/11/2012 06:47

(HNM) - Ngày 10-11 là ngày đầu tiên Nghị định số 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Nghị định này qui định tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm TTATGT. Tuy nhiên, để tiếp tục tuyên truyền về nội dung nghị định này đến người tham gia giao thông, lãnh đạo Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, những ngày đầu nghị định có hiệu lực, lực lượng làm nhiệm vụ vẫn sẽ chỉ xử lý theo mức cũ, đồng thời nhắc nhở người vi phạm về qui định mới. Trong ngày 10-11, theo thông kê chưa đầy đủ, CSGT đã xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm.

Trước đó, trước khi Nghị định 71 có hiệu lực, từ giữa tháng 10, Phòng CSGT đã có một số hoạt động tuyên truyền nhằm thông báo để người dân, chủ phương tiện biết về sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng lỗi vi phạm. Tuy nhiên, nhiều qui định tại nghị định chưa được đông đảo người tham gia giao thông nắm rõ. Bên cạnh đó, một nội dung còn nhiều ý kiến băn khoăn là về tính khả thi trong việc xử lý vi phạm "người điều khiển phương tiện không phải là chủ phương tiện", nhất là với phương tiện mô tô, xe máy với mức phạt là 1 triệu đồng đối với mô tô xe máy, 6 đến 10 triệu đồng đối với ô tô. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề đang rất nóng này, thông tin từ Công an thành phố Hà Nội chiều 10-11 cho hay, người điều khiển phương tiện không chính chủ không bị phạt và người dân cũng không có nghĩa vụ phải chứng minh với CSGT rằng xe là chính chủ hay không chính chủ. Cứ có đủ giấy tờ theo quy định là được điều khiển xe.

Về những xe mua bán, cho tặng, qua nhiều chủ nhưng chưa làm thủ tục sang tên, người mua cuối cùng lại bán cho người khác. Khi sang tên, người cuối cùng phải có giấy tờ mua bán hợp lệ, theo quy định phải đóng thuế. Bạn bè, bố mẹ, anh chị… cho mượn xe thì người tham gia giao thông phải mang đăng ký chiếc xe đó, có giấy phép lái xe hợp lệ. Đối với ô tô còn phải có sổ kiểm định chất lượng. Những trường hợp này không vi phạm luật giao giao thông thì không xử lý. Nếu vi phạm giao thông các lỗi khác thì bị xử lý về lỗi đó. Nếu không có bằng, giấy tờ xe… thì tạm giữ phương tiện và xử lý theo quy định của luật. Cơ quan Công an cũng đưa ra khuyến cáo khi mua bán, phải sang tên đổi chủ trong 30 ngày, nên đi xe chính chủ. Có như thế, khi gây tai nạn, bỏ chạy, cơ quan công an điều tra, xác minh nhanh, hoặc những xe tang vật trong vụ án hình sự sẽ được xác minh triển khai nhanh.

Ngoài qui định trên, Nghị định 71 của Chính phủ cũng qui định tăng nặng mức xử lý đối với thanh thiếu niên tụ tập đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ; người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ; điều khiển phương tiện khi nồng độ cồn trong máu cao hơn mức qui định… Một số hành vi vi phạm bị xử lý nghiêm đến mức tước giấy phép lái xe vô thời hạn như: điều khiển ô tô lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường gây tai nạn hoặc chống người thi hành công vụ (bị phạt 20 triệu đồng, tạm giữ phương tiện vi phạm 10 ngày, tước giấy phép lái xe vô thời hạn). Với lỗi tương tự, người điều khiển mô tô, xe máy bị phạt 12 triệu đồng, tạm giữ xe 10 ngày, tước giấy phép lái xe vô thời hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin xử lý “xe không chính chủ” là do hiểu chưa đúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.