Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mãi vẫn “nơi đi xin, nơi để ế”

Quốc Bình| 29/12/2012 07:12

(HNM) - Tại Hà Nội, trong khi nhiều dự án giải quyết ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông không có nguồn vốn để thực hiện, vẫn còn nhiều địa phương để


Kết dư hàng nghìn tỷ đồng

Trong đợt giám sát thực hiện các chỉ tiêu KT-XH năm 2012, các đại biểu HĐND thành phố đã ghi nhận tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư XDCB diễn ra ở hầu hết quận, huyện. Khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Lê Văn Hoạt thẳng thắn cho rằng, TP đã rất cố gắng cân đối các nguồn để phân bổ vốn đầu tư XDCB về cho các địa phương. Nếu các địa phương không sử dụng kịp thời, hiệu quả, không giải ngân hết vốn XDCB là có lỗi với dân, đặc biệt là khi nhiều nơi, nhiều lĩnh vực cần đầu tư đang không có vốn.


Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư XDCB sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2013. Ảnh: Nguyễn Huy

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư XDCB trở nên "đáng báo động" từ năm 2011. Theo báo cáo của Sở Tài chính, số vốn đầu tư XDCB năm 2011 toàn TP kết dư (không được sử dụng) chuyển sang năm 2012 lên đến trên 8.981 tỷ đồng. Trong đó, vốn kết dư ở các quận, huyện, thị xã chiếm đa số với 8.146 tỷ đồng, ở cấp xã là 834 tỷ đồng. Có những quận, huyện kết dư lên tới cả nghìn tỷ đồng hoặc chiếm tỷ lệ rất lớn so với tổng chi ngân sách địa phương. Điển hình như quận Đống Đa, có kết dư ngân sách năm 2011 là 675 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng chi ngân sách của quận. Đến tháng 11 năm 2012, quận mới giải ngân được trên 300 tỷ đồng số vốn kết dư này.

Kết dư ngân sách năm 2012 sang năm 2013 có thể thấp hơn nhưng chưa dứt hẳn. Theo báo cáo của UBND TP tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP khóa XIV, ngân sách chi đầu tư phát triển, trong đó phần lớn là đầu tư XDCB, cả năm 2012 chỉ đạt 95,5%. Ngoài ra, năm 2013, TP tiếp tục phải xử lý số vốn kết dư từ năm 2011 chưa giải quyết xong.

Tình trạng có tiền mà không sử dụng được là chuyện rất khó hiểu khi nhu cầu đầu tư phát triển, đầu tư cho các dự án giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc đang rất cấp thiết. Trong khi có quận, huyện để vốn "đóng băng" ở kho bạc thì có những quận, huyện đầu tư hiệu quả, cần vốn mà không có đủ.

Tăng cường trách nhiệm

Nhằm khắc phục tình trạng trên, HĐND và UBND TP đã có những biện pháp quyết liệt. UBND TP đã chỉ đạo các quận, huyện thay thế, luân chuyển một số cán bộ liên quan đến tình trạng sử dụng vốn đầu tư XDCB kém hiệu quả, trong đó có quận Đống Đa. Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt khẳng định, Thường trực HĐND TP sẽ chỉ đạo, giám sát quyết liệt nhằm chống kết dư ngân sách trong năm 2013. Trong tờ trình về dự toán thu chi ngân sách năm 2013, UBND TP đã xác định tuân thủ đúng các định hướng và nguyên tắc được Thường trực HĐND và UBND thống nhất như tập trung hơn cho các công trình trọng điểm, các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm 2013. Đặc biệt, thành phố xác định chỉ bố trí vốn cho các dự án khi đủ các thủ tục đầu tư XDCB. Đây là cách buộc các địa phương phải chủ động chuẩn bị đầu tư, chấm dứt tình trạng "xin cứ xin, chậm đầu tư cứ chậm" như hiện nay.

Nghị quyết dự toán thu chi ngân sách năm 2013 được HĐND TP thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã thể hiện quan điểm phân bổ vốn XDCB cụ thể theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP qua thẩm tra đã yêu cầu. Đó là tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư XDCB, có chế tài cụ thể xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu công trình chậm tiến độ; chỉ đạo công tác thanh quyết toán kịp thời, đúng thời gian quy định, chú trọng quyết toán các khoản kinh phí hỗ trợ ngành dọc; kiểm tra giám sát chặt chẽ việc sử dụng các khoản tạm ứng trong đầu tư, có chế tài và kiên quyết thu hồi đối với các khoản ứng trước sử dụng không đúng mục đích, tăng cường kiểm soát chuyển nguồn XDCB. UBND TP cũng tập trung rà soát các nhiệm vụ chuyển nguồn nhiều năm không thực hiện được theo hướng kiên quyết hủy bỏ để phân bổ cho các nhiệm vụ khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Chủ trương, quan điểm khắc phục tình trạng "xin cứ xin, chậm đầu tư cứ chậm" ở các địa phương liên quan đến vốn XDCB đã được thành phố thể hiện rõ ràng, quyết liệt. Tuy nhiên, để các địa phương sử dụng vốn đầu tư XDCB tốt hơn nhất định phải có sự vào cuộc có trách nhiệm cao của các sở, ngành liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mãi vẫn “nơi đi xin, nơi để ế”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.