Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xung kích trong “xây” và “chống”

Việt Tuấn - Nguyễn Linh| 08/01/2013 06:59

(HNM) - Mùa cưới năm 2012 ở Thủ đô Hà Nội không rầm rộ như những năm trước, một phần do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, mặt khác Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội đã từng bước đi vào đời sống. Những đám cưới phô trương hình thức đã giảm. Nhiều cô dâu, chú rể tổ chức lễ cưới một cách trang trọng, ý nghĩa nhưng phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và điều kiện chung của xã hội. Thậm chí họ còn góp phần không nhỏ trong việc vận động bố mẹ, ông bà ủng hộ thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Có được kết quả đó là do sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ…

Dù Thành đoàn Hà Nội đang trong thời gian khảo sát, xây dựng mô hình điểm để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 11 nhưng với sự hướng dẫn của cấp ủy Đảng cơ sở, tổ chức Đoàn các địa phương đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng kế hoạch, đưa ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa bàn.

Lễ trao đăng ký kết hôn cho cặp vợ chồng trẻ tại phường Yết Kiêu, quận Hà Đông. Ảnh: Lê Tuấn


Tại huyện Ứng Hòa, ngoài xây dựng kế hoạch triển khai đến các cơ sở Đoàn theo tinh thần của Chỉ thị 11, Huyện đoàn còn cử cán bộ trực tiếp vận động các cô dâu mặc áo dài truyền thống, thay cho mặc những áo cưới kiểu cách đắt tiền; yêu cầu các đám cưới không sử dụng "nhạc sống", không hút thuốc lá, tụ tập đánh bạc và sẽ có hình thức xử lý đối với cán bộ, đoàn viên nếu sai phạm. Bí thư Huyện đoàn Ứng Hòa Nguyễn Văn Định cho biết, đây là việc khó, phải có thời gian tuyên truyền, vận động. Việc cưới theo nếp sống mới ngay cả một số cán bộ cấp cơ sở còn chưa nhận thức đầy đủ, do đó phải làm từng bước, "được đâu chắc đó".

Ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động Đoàn cơ sở 14 phường xây dựng mô hình cưới tập thể, Quận đoàn Hoàng Mai còn tổ chức tọa đàm "Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn quận". Đa số đoàn viên, thanh niên bày tỏ đồng tình với các nội dung trong Chỉ thị 11, với mục tiêu tổ chức hôn lễ "vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm". Tuy nhiên vấn đề ai sẽ là người kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định này? Đây cũng là điều khiến nhiều cán bộ Đoàn băn khoăn. Bí thư Đoàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Trần Toàn Thương cho biết, thời gian qua có một số đám cưới của con em, người thân cán bộ, công chức, viên chức kéo dài thời gian tổ chức, mời khách tràn lan, làm cỗ với số lượng lớn, tổ chức linh đình, phô trương gây lãng phí. Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai Nguyễn Ngọc Việt nhấn mạnh: "Từ khi có Chỉ thị 11 của Thành ủy, nhiều gia đình nhận thiếp mời dự tiệc cưới đã có sự cân nhắc. Nói vậy để thấy, người đứng ra mời cũng phải suy tính rất nhiều. Đó là những chuyển biến theo chiều hướng tốt".

Theo Bí thư Quận đoàn Hà Đông Nguyễn Thị Nhã, việc cưới theo nếp sống mới được Quận đoàn triển khai từ 3 năm nay theo Chương trình 06 của Quận ủy. Từ khi có Chỉ thị 11 thì vấn đề này được tuyên truyền, vận động quyết liệt hơn. Một bộ phận đoàn viên, thanh niên đã nhận thức đúng tinh thần của chỉ thị, tích cực vận động bố mẹ tổ chức tiệc cưới cho bản thân gọn nhẹ, chỉ người thân thiết dự tiệc mặn, còn lại là báo hỷ và tổ chức tiệc trà. Đám cưới của đoàn viên Nguyễn Xuân Thanh (phường Văn Quán) là trường hợp điển hình. Hôn lễ được tổ chức đơn giản, đông vui, ấm cúng và trang trọng, tiết kiệm với sự giúp đỡ của Đoàn thanh niên quận trong việc đón khách, tổ chức văn nghệ. Anh Vũ Hùng Quân (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) đang chuẩn bị cưới vợ, cho rằng: "Tôi nghĩ họ hàng đông cũng chỉ nên mời đại diện, gói gọn trong vài mươi mâm cỗ. Điều quan trọng là sau cưới chúng tôi thấy hạnh phúc và không phải lo lắng trả nợ cho những phụ phí phô trương".

Tại huyện Đông Anh, ngay sau khi Chỉ thị 11 được ban hành, các chi hội, tổ phụ nữ đã tuyên truyền, phổ biến và tổ chức giao lưu, tọa đàm với những nội dung, chủ đề cụ thể. Là một vùng quê, tập tục đi ăn cưới cả nhà, cả làng, cả họ đã ăn sâu vào gốc rễ, nên bước đầu, việc thực hiện Chỉ thị 11 có khó khăn. Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh Hoàng Thị Lợi cho biết: Hội Phụ nữ không chỉ tập trung tuyên truyền cho những người sắp kết hôn mà còn chú trọng tới tầng lớp hội viên lớn tuổi đã làm mẹ, làm bà. Vừa vận động cán bộ, hội viên gương mẫu thực hiện, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào chỉ tiêu thi đua, Hội vừa phối hợp cùng Ban thanh tra nhân dân giám sát chặt các đám cưới, bảo đảm khách mời không quá 300 người, không cưới nhiều lần, xa hoa, tốn kém. Với những đám cưới thuộc các họ to, đông con cháu, cán bộ Hội chủ động phối hợp với MTTQ vận động người cao tuổi đứng đầu dòng họ, cha mẹ cô dâu, chú rể. Do vậy, các gia đình chỉ cử người cao niên đi dự. Sau 3 tháng thực hiện, trên địa bàn huyện có duy nhất một đám cưới con lãnh đạo cấp xã vi phạm tinh thần Chỉ thị 11. Trong hội nghị kiểm điểm theo Nghị quyết TƯ 4, đồng chí này đã thành khẩn nhận khuyết điểm. MTTQ và các đoàn thể cũng đã họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội ban hành về việc cưới theo nếp sống mới đã kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống" nhằm làm chuyển biến từ mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ đến cộng đồng xã hội, theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, thiết thực, ý nghĩa. Hơn ai hết, thanh niên, phụ nữ là người trong cuộc cần có nhận thức đúng, tiên phong gương mẫu thực hiện, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, vừa thể hiện rõ vai trò xung kích đi đầu. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cần tìm ra những mô hình phù hợp để thực hiện có hiệu quả chỉ thị này. Mỗi bạn trẻ cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm để trở thành những tuyên truyền viên tích cực đối với các bậc phụ huynh, họ hàng nói riêng cũng như toàn xã hội nói chung trong thực hiện việc cưới theo nếp sống mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung kích trong “xây” và “chống”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.