Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi của dân

Bài, ảnh: Thiện Mỹ| 18/01/2013 07:42

(HNM) - Do buông lỏng quản lý đất đai nên nhiều diện tích đất nông nghiệp ở phường Phú Lương (Hà Đông) đã bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Trong đó, khu vực quy hoạch là đất dịch vụ có tới 58 trường hợp xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất…. Công tác xử lý vi phạm đã được các cơ quan chức năng quận Hà Đông tiến hành từ năm 2011, song đến nay vẫn còn 7 công trình đang tồn tại, gây khiếu kiện phức tạp.


Phường Phú Lương có hơn 4,7 triệu mét vuông đất nông nghiệp, được giao cho gần 4.000 hộ sử dụng theo Nghị định 64/CP. Trước tháng 10-2003, toàn phường có 1.784 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích 113.661m2. Theo sắp xếp của quận Hà Đông, xứ đồng Bo, đồng Trúc, Cửa Cầu được xác định làm đất dịch vụ và quy hoạch này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận từ năm 2011. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát tại khu đất dịch vụ (rộng 10,81ha) đã có 58 trường hợp vi phạm tại thời điểm từ năm 1997-2005, tập trung nhiều nhất dọc theo đường Trinh Lương. Trong đó, 3 công trình là nhà cao tầng, kiên cố, số còn lại đều là nhà tạm và 26 trường hợp đã chuyển nhượng lại cho người khác.


Những công trình tạm dừng cưỡng chế, chờ kết quả xác minh.


Năm 2010, phường Phú Lương và quận Hà Đông đã rà soát, kiểm tra, thiết lập các văn bản pháp lý, đồng thời ban hành các quyết định xử lý 54 trường hợp, còn lại 4 trường hợp với 7 công trình vẫn chưa bị tháo dỡ, vì vậy người dân khiếu kiện, cho rằng quận không xử lý triệt để. Về việc này, UBND quận Hà Đông đã báo cáo UBND TP và các ban, ngành liên quan, khẳng định việc tạm dừng cưỡng chế 7 công trình có lý do chính đáng, vì trong đó có 4 công trình đã được UBND huyện Thanh Oai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); 3 công trình do phần diện tích xây dựng nằm trên thửa đất của 2 hộ và có diện tích lớn nên phải xác minh lại nguồn gốc đất… Bên cạnh đó, tại buổi đối thoại giữa các hộ vi phạm với lãnh đạo quận Hà Đông ngày 12-12-2012, người dân cho rằng, khi họ xây dựng nhà, xưởng đã được một số cán bộ địa phương đồng ý nên khi giải tỏa các hộ phải được hỗ trợ.

Ông Đinh Văn Cương, quê ở xã Hòa Nam (Ứng Hòa) cho hay: Năm 2009, nhờ người quen giới thiệu, ông Cương vay mượn hơn 850 triệu đồng "mua" được mảnh đất và căn nhà này cho con trai ông ở. Người "bán" đất đã cho ông Cương xem GCNQSDĐ do UBND huyện Thanh Oai cấp ngày 8-10-2003, diện tích 114m2, với đầy đủ con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền. Một nửa diện tích này đã được chủ đất xây nhà cấp 4 và đến năm 2009 chuyển nhượng cho ông Cương 57m2; khi chuyển nhượng, ông Cương đã thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với cơ quan chức năng nên ngày 10-10-2009, ông Cương được UBND quận Hà Đông cấp bìa đỏ. Trao đổi với phóng viên, ông Cương lo lắng: "Nhìn vào GCNQSDĐ có con dấu, chữ ký của các cơ quan có thẩm quyền tôi mới dám mua. Vậy mà đến nay các cơ quan chức năng lại nghi ngờ sổ đỏ đó có "vấn đề".

Giải thích về việc này, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: Năm 2003, trước khi một số xã của huyện Thanh Oai chuyển về quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai đã cấp GCNQSDĐ cho nhiều hộ ở vùng giáp ranh. Trong số này nhiều sổ đỏ được cấp khống và nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được cấp thành đất thổ cư. Với những sai phạm nghiêm trọng đó, Công an tỉnh Hà Tây (cũ) đã khởi tố vụ án, một số cán bộ liên quan đến vi phạm đã bị xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều sổ đỏ cấp sai vẫn trôi nổi, không bị thu hồi. Hiện nay, 7 công trình vi phạm vẫn đang trong quá trình xác minh, nếu GCNQSDĐ cấp sai, quận sẽ báo cáo thành phố giải quyết theo đúng quy định. Việc cưỡng chế, tháo dỡ 54 công trình là thực hiện xử lý vi phạm về đất đai, không phải là quy trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nên không được áp dụng các chính sách về bồi thường, hỗ trợ; UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản trả lời đơn khiếu nại của các hộ, khẳng định quận Hà Đông làm đúng quy định. Đối với những ý kiến "tố" cán bộ phường sở tại "bật đèn xanh" cho các hộ vi phạm, lãnh đạo quận Hà Đông khuyến khích người dân cung cấp bằng chứng, phối hợp với cơ quan chức năng tìm ra người vi phạm để xử lý…

Để ổn định tình hình địa phương và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cấp, ngành chức năng rà soát tất cả GCNQSDĐ để giải quyết thỏa đáng quyền lợi người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi của dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.