Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nếu không chặt chẽ, sẽ tạo kẽ hở

Minh Thúy| 06/02/2013 06:05

(HNM) - Điều 187, Bộ luật Lao động ban hành năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1-5-2013) quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định trên. Để cụ thể hóa điều này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất tăng thêm 5 năm làm việc cho một số NLĐ đặc biệt. Đề xuất này ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Ông Hoàng Thế Phê (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng): Phải xây dựng được những nguyên tắc chuẩn

Theo quy định của Bộ luật Lao động thì NLĐ có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn độ tuổi do luật định chỉ hướng đến một số nhóm đối tượng nhất định. Đây đều là những người làm công tác quản lý, người có trình độ kỹ thuật cao… Quy định như vậy là thỏa đáng nhằm đánh giá cao và phát huy được nguồn chất xám của NLĐ, nhưng vấn đề quan trọng là nguyên tắc, tiêu chuẩn nào để xác định đó là người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý cần được giữ lại? Tôi cho rằng, chỉ một số rất ít người làm công tác quản lý đáng được giữ lại ở địa vị công tác. Nếu cứ đánh đồng, chung chung, không có thước đo làm tiêu chuẩn thì e rằng đó sẽ là cơ hội "vàng" cho những người tham quyền cố vị.

Chị Nguyễn Nguyệt Hằng (Yên Hòa, Cầu Giấy): Không nhất thiết phải là công chức...

Tôi cho rằng, người thật sự có kinh nghiệm, kiến thức thì không cần ràng buộc họ với nghĩa vụ là cán bộ, công chức họ vẫn có thể làm việc tốt dưới dạng hợp đồng lao động, hợp đồng công việc… Đối với người làm nghiên cứu khoa học, người có chuyên môn kỹ thuật cao… nếu người sử dụng lao động không có chế độ đãi ngộ thỏa đáng thì họ cũng không muốn kéo dài thời gian công tác. Do vậy, để khỏi lãng phí nguồn nhân lực cao này, chúng ta có nhiều cách khác nhau chứ không phải chỉ có một cách là giữ họ lại ở cương vị công tác. Do vậy, để tránh rắc rối, vị nể, lách luật… thì tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng một chế độ nhất định, không nên có ngoại lệ.

Chị Phạm Thị Hiền (phường Quang Trung, Hà Đông): Phải đề cao tính hiệu quả

Nếu kéo dài thời gian công tác thì cơ quan chức năng nên tính đến hiệu quả của quy định này đối với xã hội chứ không nên áp dụng như một phép tính để "né" việc "vỡ" quỹ bảo hiểm xã hội như thông tin một số báo mạng đăng tải, vì nếu chỉ vì tránh "vỡ" quỹ mà kéo dài thời gian lao động là phản khoa học. Thông thường, những người ở cương vị quản lý, lãnh đạo đều có những "đặc quyền, đặc lợi" nhất định nên có không ít người không muốn nghỉ hưu. Trong khi đó, hàng nghìn sinh viên ra trường vẫn chịu cảnh thất nghiệp, biên chế không tăng và số lượng công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" vẫn là con số không nhỏ. Điều này có thể dẫn đến sự trì trệ, bảo thủ của lớp người già, tiêu diệt sự sáng tạo của sức trẻ.

Anh Đỗ Minh Tuấn, Công ty CP Việt Thái quốc tế (phố Chùa Bộc, Đống Đa): Kích thích NLĐ làm việc hiệu quả thay vì tăng tuổi nghỉ hưu

Việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng đối với lao động nữ để bảo đảm công bằng trong xã hội, không nên kéo dài thêm độ tuổi nghỉ hưu với nam giới. Thời gian qua cho thấy, nhiều cơ quan chức năng thực hiện việc giảm biên chế và tỷ lệ NLĐ nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định không cao, số người nghỉ hưu sớm vẫn nhiều và đây chính là gánh nặng cho quỹ BHXH. Theo tôi, Nhà nước cần có chế độ, chính sách phù hợp để mọi NLĐ nhiệt tình cống hiến hết mình cho công việc thay vì chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu như đề xuất hiện nay của Bộ LĐ-TB&XH. Trong thời gian qua, chúng ta nói đến quan niệm "tư duy nhiệm kỳ" để chỉ một số người hành động vì lợi ích cá nhân. Vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với người quản lý, người có chức vụ cao, đối tượng đặc biệt… liệu có phải là cơ hội mang lại đặc quyền cho nhóm người này? Chúng ta có nhiều cách để kích thích sức sáng tạo, sự lao động miệt mài của NLĐ, không nên để NLĐ cống hiến thêm bằng cách tạo ra ngoại lệ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nếu không chặt chẽ, sẽ tạo kẽ hở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.