Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành vi hoang báo: Phải xử lý nghiêm

Thành Tâm| 06/03/2013 06:33

(HNM) - Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều người tìm đến cơ quan công an trình báo những vụ việc "ly kỳ như thật" khiến lực lượng chức năng tốn không ít công sức điều tra, truy tìm, xác minh; dư luận không ngớt bàn tán xôn xao nhưng rút cuộc không có thật. Tác động tiêu cực đối với xã hội không nhỏ, tốn phí công sức không ít nhưng những "chuyện đùa" đó chưa được xử lý thỏa đáng...

Những vụ án ly kỳ nhưng... không có thật

Mới đầu năm 2013, CA quận Đống Đa đã liên tục phải chạy theo hai vụ việc rất "nghiêm trọng". Mới ra Tết Quý Tỵ, trưa 23-2, một nam thanh niên tên là La Văn Tú (SN 1988, ở phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng) được gia đình đưa đến CA phường Trung Tự trình báo về việc bị cướp. "Bị hại" cho biết, sẩm tối 22-2, qua phố Lê Thanh Nghị (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng), anh này bị 4 nam thanh niên đi trên 2 xe máy ép đi theo nhiều tuyến phố. Đến địa bàn phường Trung Tự, anh bị đánh đập, cưỡng đoạt 5 triệu đồng rồi còn bị ép viết giấy nợ tiền mới được cho về... Thế nhưng qua điều tra, không một chi tiết, thông tin nào đủ để xác minh có vụ việc như thế. Vòng vo mãi, cuối cùng "nạn nhân" đành khai thật, do trót lấy tiền của gia đình đi ăn tiêu hết nên hoang báo bị cướp.

Trước đó, ngày 18-2, cửa hàng mỹ phẩm của chị Vũ Hoàng Điệp (SN 1990, trú tại Nguyễn Thái Học, Ba Đình) trên đường Xã Đàn xảy ra vụ trộm. Chị Điệp bị mất túi xách, trong có 1 điện thoại Iphone 3 và 1 điện thoại Iphone 5. Thế nhưng, khi nạn nhân đến cơ quan CA lại khai bị cướp với nhiều tình tiết rất ly kỳ, rằng ban ngày ban mặt, thủ phạm vào vờ mua hàng, chỉ xõa tóc ra, sau đó chị Điệp dần khụyu xuống mê man, khi tỉnh dậy mới phát hiện bị mất 35.000 euro, 75 triệu đồng và 2 điện thoại đắt tiền... Vụ việc với nhiều tình tiết "hấp dẫn" trên được nhiều cơ quan thông tin đại chúng đăng tải khiến dư luận cũng được một phen vừa tò mò vừa lo lắng trước thủ đoạn quá tinh vi, khó phòng tránh của tội phạm. Tuy nhiên, qua điều tra, nạn nhân thừa nhận khai bị choáng váng vì thuốc mê là do... tự suy diễn theo cảm tính. Tài sản bị mất ít hơn nhiều so với con số khai báo cũng là do nạn nhân tự nghĩ ra nhằm mục đích "thúc" cơ quan CA điều tra nhanh hơn.

Sẽ còn nhiều án giả

Vì nhiều lý do, mỗi năm riêng trên địa bàn Hà Nội, cơ quan CA tiếp nhận hàng chục vụ án "ảo". Trong số đó, không ít vụ việc được "bị hại" trình báo với nhiều tình tiết rất phức tạp, tính chất vi phạm pháp luật của tội phạm rất nghiêm trọng, tài sản bị xâm hại có giá trị rất lớn. Nhiều vụ hoang báo khiến lực lượng chức năng tốn không ít công sức điều tra, truy tìm, xác minh, dư luận bàn tán xôn xao. Tác động xã hội không nhỏ, tốn phí công sức không ít nhưng những "chuyện đùa" đó chưa bị xử lý tương xứng...

Nguyên nhân là hành lang pháp lý để xử lý các hành vi hoang báo chưa được xác định rõ ràng, hình thức xử lý quá nhẹ. Trong trường hợp chị Điệp, anh Tú nêu trên, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 73 (2010) với mức phạt cao nhất đến vài triệu đồng. Thực tế, CA quận Đống Đa cũng chỉ có thể phạt hành chính chị Vũ Hoàng Điệp 750.000 đồng.

Mức xử phạt quá nhẹ như vậy, rõ ràng chưa thể ngăn được hành vi hoang báo. Trong khi đó, hoang báo là một dạng tin đồn thất thiệt, đã và đang tác động xấu đến ANTT, gây ảnh hưởng không nhỏ đến TTATXH. Đã đến lúc phải có chế tài xử lý nghiêm hành vi này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành vi hoang báo: Phải xử lý nghiêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.