Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh lãng phí khi tăng tuổi hưu

Minh Bắc| 12/03/2013 10:05

(HNMO) - Kéo dài tuổi nghỉ hưu ra sao và cho những đối tượng nào đang là vấn đề được đưa ra bàn luận. Đây cũng là nội dung quan trọng cần đưa vào Nghị định hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.

Bộ luật Lao động mới sửa đổi ngoài quy định tuổi nghỉ hưu của nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi thì trong điều 187 còn thêm khoản 3 “người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định ...” - nghĩa là trong một số trường hợp lao động nam, nữ cũng có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi tối đa 65 (nam) và 60 (nữ). Riêng đối với lao động nữ thì đây là vấn đề mới khi Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020...

Ảnh minh họa


Theo thống kê về độ chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ của Liên hợp quốc ở 142 nước trên thế giới cho thấy, có 51 nước tuổi nghỉ hưu của lao động nữ kém nam giới thường là 5 tuổi, Việt Nam nằm trong số các nước này, 91 nước còn lại thì tuổi nghỉ hưu của nam và nữ là ngang nhau. Các khảo sát khác cũng cho thấy với những nước mà nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, lao động trí óc chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế thì tuổi nghỉ hưu của nam, nữ ngày càng gần nhau.

Vì thế, đối với Việt Nam, muốn chọn ra các đối tượng cần kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu như luật định thì trước hết chúng ta cần thống nhất một số tiêu chí chính làm ảnh hưởng đến việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của người lao động. Thông thường thì điều kiện làm việc, môi trường làm việc, hiệu quả công việc và tính chất công việc mới là những yếu tố chính, ngoài ra có thể xem đến yếu tố chuyên môn, lãnh đạo quản lý với vai trò khó có thể thay thế. Với xu hướng lao động trí óc ngày càng chiếm tỷ lệ cao cũng như thực hiện các chính sách bình đẳng giới thì việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho đối tượng lao động nữ này là hoàn toàn thỏa đáng. Thời gian kéo dài nên cho họ có quyền lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện của họ. Nhưng với những người lao động chân tay thì cần phải được nghỉ hưu sớm hơn, nhất là đối với lao động nữ.

Chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 3 của điều 187 có lẽ muốn giải quyết vấn đề phát huy năng lực, trí tuệ, tài năng của nhóm lao động này trong công cuộc phát triển, xây dựng kinh tế đất nước, đồng thời góp phần đảm bảo cân bằng quỹ hưu trí trong tương lai. Tuy nhiên, ở đây việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cần tính đến giai đoạn Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng (bắt đầu từ 2007) và có thể kéo dài trong 20-30 năm. Thời gian này, lực lượng trẻ được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật… sẽ ngày càng tăng nếu không sắp xếp bố trí công việc thì đây sẽ là một sự lãng phí lớn cho người dân, cho xã hội. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng tiêu cực đến lớp cán bộ trẻ do quy hoạch cán bộ lãnh đạo bị phá vỡ vì kéo dài tuổi nghỉ hưu. Ngược lại vì tính chuyện tuổi tác mà chúng ta buộc đưa nhóm đối tượng quản lý có chuyên môn, kỹ thuật cao nghỉ hưu cũng lại gặp vấn đề lãng phí tương tự.

Đối với lao động nữ thì cũng cần thống nhất hiểu bình đẳng không đồng nghĩa là bằng nhau mà bình đẳng giới phải được xem xét trên cơ sở giới tính để có chính sách khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy các khả năng, năng lực của họ trong công việc nhưng không ảnh hưởng đến thiên chức của người phụ nữ. Vì thế tính toán kéo dài tuổi nghỉ hưu cho nữ cũng cần phải xem kỹ lưỡng. Qua khảo sát tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ từ năm 2011, cho thấy lao động trong khu vực nặng nhọc, độc hại như: chế biến thủy hải sản, dệt may, cạo mủ cao su… hầu hết mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu vì đến tuổi 55 họ không thể làm được những việc như hiện nay đang làm. Đối với lao động làm hành chính thì đa số lại muốn tuổi nghỉ hưu như hiện tại, còn cán bộ làm công tác quản lý cấp vụ trở lên thì 47% trả lời muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu lên 58 – 60 tuổi. Thăm dò ngoài xã hội cũng cho thấy rất nhiều cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu như quy định hiện nay đã giảm ý chí, nghị lực, năng lực làm việc bởi chịu khá nhiều áp lực của xã hội, của tuổi tác. Một số cán bộ nữ có nhiều bằng cấp, chứng chỉ và đã từng đảm nhiệm một số vị trí quản lý cũng thừa nhận, khi bước vào lứa tuổi 50 -55 đều cảm thấy sức làm việc, khả năng tiếp thu giảm sút khá nhiều. Tuy nhiên cũng có một số phụ nữ trong độ tuổi đó vẫn thể hiện nhiệt huyết và năng lực tốt không thua kém nam giới ở cùng độ tuổi nếu không nói chỉ kém nam giới ở lao động cơ bắp thì nên kéo dài tuổi nghỉ hưu cho những đối tượng này. Đối với cấp lãnh đạo, quản lý thì phương án hay nhất là bố trí làm công tác chuyên môn để sử dụng chất xám của họ hoặc lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá năng lực rồi mới quyết định nên để họ làm quản lý tiếp nữa hay không. Nhìn theo góc độ sức khỏe, tâm lý lứa tuổi thì một số chuyên gia trong lĩnh vực này đồng tình quy định độ tuổi nghỉ hưu như luật là hợp lý.

Việc kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng lao động trí óc, văn phòng nên theo hướng hiệu quả công việc, điều kiện sức khỏe chứ không nên xét thuần túy theo hệ số lương, hay cấp bậc quản lý và cần thực hiện nên theo một lộ trình thích hợp. Thực tế mấy năm gần đây, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu thường xảy ra đối với những cán bộ quản lý cấp cao, một số cán bộ nghiên cứu có học hàm học vị nhưng hiệu quả công việc không như mong đợi mà đang gây ra dị nghị “lợi ích nhóm”. Còn ý kiến cho rằng phải kéo dài tuổi hưu là vì sợ quỹ BHXH vỡ là không thuyết phục. Vì nguyên tắc của bảo hiểm hưu trí là đóng dài hạn, có đóng, có hưởng và còn mang tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau nữa, cho nên nhìn tổng thể số đóng góp và số chi ra phải cân bằng về dài hạn. Những bất cập hiện nay trong chế độ BHXH (lo vỡ quỹ) không phải do quy định về tuổi nghỉ hưu mà do chính sách đóng-hưởng BHXH không cân đối./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh lãng phí khi tăng tuổi hưu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.