Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp

Thành Tâm| 20/04/2013 06:20

(HNM) - Theo quy hoạch phát triển lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015 cơ bản hoàn thành việc xây dựng, kiện toàn tổ chức và đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất ở mức tối thiểu.

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tai nạn cháy, nổ ngày càng gia tăng về số lượng và thiệt hại, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Bộ Công an cho biết, trong 10 năm gần đây, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra hơn 2.000 vụ cháy, làm chết và bị thương hàng trăm người, gây thiệt hại về tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời ngày càng xuất hiện nhiều vụ cháy nghiêm trọng, làm chết nhiều người, gây thiệt hại lớn về tài sản. Riêng trên địa bàn TP Hà Nội, quý I năm 2013 đã xảy ra 43 vụ cháy, nổ làm 3 người chết, 5 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính hơn 1,7 tỷ đồng. Cũng trong thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, thiêu hủy tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng như vụ cháy tại Công ty May xuất khẩu Hà Phong (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) ngày 6-4 hay vụ cháy tổng kho hàng của Sacombank tại Bình Dương vào tối 12-4...

Một buổi diễn tập của lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Ánh


Để xảy ra cháy và cháy lớn, nguyên nhân chủ yếu hiện nay vẫn do công tác phòng ngừa tại nhiều cơ sở, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, công tác chữa cháy ban đầu lúng túng. Song một nguyên nhân khác dẫn đến xảy ra cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng là do biên chế quân số, phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH của lực lượng chuyên nghiệp còn hạn chế, nếu không muốn nói là thiếu nghiêm trọng và lạc hậu. Ngay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, với những vụ việc có tính chất phức tạp như cháy kho xưởng, cháy nhà cao tầng, CNCH nhà sập… thì việc triển khai lực lượng chuyên nghiệp cũng chưa được thuần thục, chưa đủ phương tiện, dẫn đến hiệu quả không cao.

Cũng theo đánh giá của Bộ Công an, hệ thống kiến trúc đô thị của Việt Nam rất phức tạp, gồm nhà xưởng, đô thị ồ ạt mọc lên cộng với hệ thống công trình cũ kỹ "lịch sử để lại", nhưng cả nước hiện chỉ có 169 đội Cảnh sát chữa cháy, 35 đội CNCH, trong đó 42/63 tỉnh, thành chỉ có 1 đến 2 đội Cảnh sát PCCC. Ngoài ra, còn 16 quận, 17 thị xã, 232 khu công nghiệp và hơn 300 huyện chưa có đội Cảnh sát PCCC và CNCH. Ngay cả với lực lượng chuyên nghiệp sẵn có, năng lực chữa cháy, CNCH cũng chưa đáp ứng vì trong số xe chữa cháy lực lượng chuyên nghiệp đang sở hữu chỉ có gần 30% là xe tốt, số còn lại chất lượng trung bình, kém hoặc đang chờ thanh lý nhưng vẫn phải ứng trực chiến đấu. Đó là chưa kể các trang thiết bị khác để phục vụ chữa cháy, CNCH như áo chịu nhiệt, mặt nạ phòng độc, máy chuyên dụng cho cứu sập, dò tìm và tiếp cận nạn nhân... cũng thiếu.

Trong khi lực lượng PCCC và CNCH chuyên nghiệp còn thiếu và yếu thì về mặt tổng thể quy hoạch, các công trình kiến trúc phục vụ PCCC chưa được quan tâm đúng mức. Các điều kiện về giao thông, họng nước, bể nước chữa cháy tại các đô thị lớn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa nói đến khu vực ngoại thành. Lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, nhận thức về việc tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm bảo đảm PCCC cho công trình của nhiều chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế còn hạn chế, chưa chú ý đầu tư các hạng mục PCCC. Những công trình không bảo đảm quy chuẩn về PCCC thì khi xảy cháy sẽ khó được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, công tác cứu chữa, thoát hiểm, thoát nạn gặp khó khăn, nguy cơ cháy lớn, thiệt hại lớn là nhãn tiền...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.