Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viết tiếp truyền thống anh hùng

Chí Kiên| 30/04/2013 06:52

(HNM) - Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân xã Anh hùng Nam Hồng (huyện Đông Anh) đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc.


Những ai đã đến xã Nam Hồng không thể không đến thăm địa đạo được hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở đây. Hệ thống chống giặc đặc biệt này đã được hình thành từ bàn tay, khối óc của những người nông dân, những người du kích Nam Hồng. Bà Phạm Thị Lai, năm nay đã bước sang tuổi 76, ở thôn Vệ, là một du kích Nam Hồng năm xưa, nhớ lại: "Khi giặc Pháp đến chiếm đóng đất Nam Hồng, du kích và nhân dân trong làng đã đào hầm, đào hào để chiến đấu. Sau thời gian dài, làng có nhiều hầm và chúng tôi đã đào thông các hầm với nhau, tạo thành hệ thống hầm ngầm dưới lòng đất". Vẫn theo lời bà Lai, toàn bộ hệ thống địa đạo Nam Hồng được đào thủ công, người dân phải bỏ đất giấu trong bao tải mang ra sông rất xa làng để đổ nhằm tránh sự phát hiện của địch. "Nan giải nhất là việc xác định phương hướng khi đào thông hầm. Áp dụng đủ các phương pháp, cuối cùng đã tìm ra cách hữu hiệu nhất là gõ vào lòng đất để xác định phương hướng" - Bà Lai hồi tưởng.

Đường làng, ngõ xóm xã Nam Hồng khang trang sạch đẹp. Ảnh: Trung Kiên


Theo tài liệu ghi lại, hệ thống địa đạo Nam Hồng gồm một trục chính và các nhánh phụ, cao từ 60 đến 80cm, rộng khoảng 50cm, dài gần 11km, chạy từ đầu làng đến cuối làng, nối liền nhà này sang nhà khác như xương cá. Anh Nguyễn Tiến Dương, cán bộ văn hóa xã Nam Hồng, cho biết, trong kháng chiến, địa đạo Nam Hồng đã che giấu nhiều cán bộ xã, huyện nằm vùng, là nơi hoạt động bí mật của du kích và được coi là hệ thống địa đạo đầu tiên trong thời kỳ chiến tranh của nước ta.

Phát huy truyền thống cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Nam Hồng tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua yêu nước với tinh thần "Tất cả vì miền Nam ruột thịt". Nhân dân xã Nam Hồng đã trở thành một hậu phương vững chắc khi tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực. Thời điểm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra, trong toàn xã đã dấy lên phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất "Vì miền Nam". Với những thành quả đó, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Nam Hồng đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Năng động xây dựng nông thôn mới

Chị Ngô Thị Hoa, ở thôn Đìa, sinh ra khi đất nước đã được hòa bình, thống nhất, tâm sự: "Khi lớn lên đi học, trong nhà trường, trong gia đình, tôi đã được nghe lại những chiến công oanh liệt, những tấm gương anh dũng của các thế hệ đi trước trong đánh giặc ngoại xâm. Đó là những bài học quý giá, là điểm tựa vững chắc cho thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay trên bước đường xây dựng nông thôn mới". Với hai lao động chính, chị Ngô Thị Hoa cùng chồng đang canh tác khoảng 14 sào đất nông nghiệp, trong đó có 2 sào trồng bầu, 2 sào ngô và 2,5 sào mướp, còn lại là trồng lúa. "Riêng diện tích trồng cây thực phẩm là bầu, ngô và mướp hiện đang cho thu nhập 300.000 đến 400.000 đồng/ngày" - Chị Hoa chia sẻ.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND xã Nam Hồng (huyện Đông Anh).


Người dân Nam Hồng làm nông nghiệp rất hiệu quả. Trên thửa đất diện tích hơn 1 sào, chị Hoa kết hợp trồng mướp làm giàn cao phía trên, ở dưới mặt đất chị thâm canh thêm cây bí ăn lá. Kế bên ruộng mướp nhà chị Ngô Thị Hoa là trang trại vườn ao chuồng của anh Ngô Văn Chi và chị Nguyễn Thị Thỏa. Với diện tích 15 sào đất nông nghiệp đã dồn về một thửa, gia đình chị Thỏa đã cải tạo, xây dựng trang trại trồng khoảng 100 cây bưởi Diễn, 100 cây ổi, nhãn, đào ao thả cá, xây dựng nhà chăn nuôi hàng chục con lợn. "Thu nhập cao hơn nhiều trồng lúa và ổn định. Trừ chi phí, bình quân hằng năm cũng thu khoảng 100 triệu đồng. Riêng vụ ổi chiêm vừa rồi tôi cũng thu được 27 triệu đồng" - chị Thỏa cho hay.

Những việc làm của những nông dân như chị Hoa, chị Thỏa đã, đang làm thay đổi diện mạo nông thôn Nam Hồng. Hình ảnh mới ở Nam Hồng bây giờ là đường giao thông được bê tông hóa, trường học khang trang, sạch đẹp. Trên các cánh đồng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh nhờ dồn điền đổi thửa. Triển khai xây dựng NTM, toàn xã đã xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn, hoa, cây ăn quả diện tích 107ha, cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần cấy lúa. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 của xã đạt 25 triệu đồng/người. Với bề dày truyền thống cộng với sự cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, chắc chắn trong thời gian không xa nữa, người dân Nam Hồng sẽ xây dựng thành công nông thôn mới trên mảnh đất anh hùng kiên cường, bất khuất năm xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết tiếp truyền thống anh hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.