Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch UBND xã: Cần chính sách đồng bộ

Việt Tuấn| 26/05/2013 06:29

(HNM) - Kết quả của dự án bước đầu được ghi nhận song cũng còn nhiều điểm cần rút kinh nghiệm, nhất là trong quá trình phối hợp tuyển chọn đội viên.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn Điện Biên trao đổi với các trí thức trẻ.


Hiệu quả thấy rõ…

Dự án 600 trí thức trẻ được Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan và 20 tỉnh có huyện nghèo triển khai thực hiện được hơn 1 năm. Qua sơ kết giai đoạn 1 (2011-2012), các địa phương có trí thức trẻ về công tác đều khẳng định các phó chủ tịch trẻ năng động, tích cực, dám nghĩ, dám làm, bước đầu mang lại những hiệu quả cho cơ sở, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai Giàng Thị Dung cho biết, tỉnh có 34 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND các xã nghèo, trong đó có 23 người địa phương. Những trí thức trẻ người địa phương tham gia dự án thì thuận lợi, hiểu được phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc; quá trình thực hiện có sự đồng cảm, sự quan tâm hơn của cấp ủy, chính quyền. Có đội viên còn vừa công tác, vừa học nâng cao, đề tài nghiên cứu luận văn áp dụng ngay tại địa phương mình công tác. Khẳng định vai trò của các trí thức trẻ, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Nông Việt Yên cho biết, các trí thức trẻ đã tích cực cùng với đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương tham gia trồng 130ha cây sơn tra ở huyện Trạm Tấu; vận động nhân dân chuyển đổi trồng lúa, sắn trên đất bạc màu sang trồng hơn 22ha ngô lai ở xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu. Tỉnh Bắc Giang cũng có 19 trí thức trẻ trúng tuyển về làm phó chủ tịch UBND các xã tại huyện Sơn Động. Đến nay, các trí thức trẻ đã tiếp cận và giải quyết công việc kịp thời; thường xuyên xuống thôn, bản nắm tình hình, tích cực tham mưu với Đảng ủy, HĐND, UBND xã các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều trí thức trẻ mạnh dạn xây dựng các tiểu đề án phát triển mô hình kinh tế như đưa giống khoai tây vào sản xuất tại xã Tuấn Đạo; chăn nuôi thỏ quy mô gia đình, ứng dụng quy trình xử lý nước thải tại xã Quế Sơn; thành lập hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp xã Vĩnh Khương; phát triển đàn ong mật gắn với khu du lịch sinh thái ở xã An Lạc...

Những vấn đề đang đặt ra

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên thì cũng còn không ít những hạn chế, tồn tại được phản ánh trong buổi giao ban đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1 Dự án 600 trí thức trẻ do TƯ Đoàn tổ chức tháng 5-2013. Bí thư Tỉnh đoàn Cao Bằng Bế Minh Đức cho biết, tỉnh Cao Bằng có 44 đội viên nhưng đến nay họ vẫn chưa có nhà ở công vụ, nhiều người phải dùng nơi làm việc để ngủ, nghỉ. Đặc biệt, đa số trí thức trẻ vẫn nhận lương ở Phòng Nội vụ các huyện; đường sá miền núi khó khăn, xa, nhiều phó chủ tịch khi tiện ra họp ở huyện thì mới lĩnh lương. "Thêm nữa, sức ỳ của đội viên là người Cao Bằng cũng khá rõ. Sau 3 tháng về địa phương, Tỉnh đoàn khảo sát thấy, trí thức trẻ người địa phương khác đến chăm chỉ, vượt khó nắm bắt tình hình các thôn, bản hơn là người địa phương". Anh Bế Minh Đức chia sẻ thêm. Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định Nguyễn Thanh Bình cũng kiến nghị, kết thúc đợt đi thực tế 3 tháng của các đội viên, nhiều đề án của trí thức trẻ được Hội đồng tuyển chọn đánh giá rất cao. Tuy nhiên, khi triển khai ở cơ sở, bà con không ủng hộ, do tư duy sản xuất cũ. Bởi vậy, cần tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con gắn với đề án của trí thức trẻ thì sẽ hiệu quả hơn.

Phản ánh của một số cán bộ đoàn cho thấy, việc lựa chọn đội viên tham gia dự án là người bản địa hiệu quả chưa đồng đều ở các địa phương. Đối với tỉnh Lào Cai, vấn đề này phát huy tốt nhưng tỉnh Cao Bằng thì lại không, thậm chí có ý kiến nêu đây mới chỉ giải quyết được công ăn việc làm gần nhà, chứ hiệu quả thấp. Ở Cao Bằng, chưa có đội viên nào có nhà ở công vụ thì ở Hà Giang 50/67 đội viên có nhà ở công vụ; 54/67 đội viên có máy tính sử dụng. Nhiều ý kiến đề xuất, nếu mở rộng dự án, nên chọn trí thức trẻ người ở các địa phương khác; thống nhất thực hiện chính sách đồng bộ, tránh địa phương này thì chuyển bảng lương về xã, địa phương khác thì lên huyện lĩnh lương; thời gian cho đội viên đi thực tế sẽ giúp các trí thức trẻ nắm bắt được tính đặc thù của địa bàn nơi công tác, qua đó xây dựng các đề án phát triển hiệu quả giúp bà con nhân dân. Các ý kiến bày tỏ mong muốn, TƯ Đoàn nên tổ chức các diễn đàn, tọa đàm để các trí thức học hỏi, trao đổi lẫn nhau hằng quý. Bởi các trí thức trẻ nhận nhiệm vụ, ai cũng có một đề án về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, có đề án triển khai ngay, có đề án cần phải có quá trình nên khi gặp gỡ, trao đổi họ sẽ học hỏi được cách làm của nhau.

Bí thư TƯ Đoàn Đặng Quốc Toàn khẳng định, những hạn chế trên sẽ được TƯ Đoàn và Ban quản lý dự án khắc phục trong giai đoạn 2 (2013-2014). TƯ Đoàn sẽ chỉ đạo Đoàn thanh niên 20 tỉnh chủ động tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh nhằm giúp các trí thức trẻ tháo gỡ khó khăn, đồng thời phân công cán bộ thường xuyên theo dõi dự án có những đề xuất phù hợp, nhất là hỗ trợ, động viên các trí thức trẻ khắc phục khó khăn về nơi ở, nơi làm việc; quan tâm công tác phát triển Đảng đối với những đội viên của dự án. TƯ Đoàn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với bà con nhân dân các địa phương có đội viên về nhận nhiệm vụ; tổ chức các diễn đàn "Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó" để lắng nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ, qua đó tập trung giải quyết khắc phục tồn tại, đồng thời giới thiệu các mô hình hay hiệu quả để nhân rộng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch UBND xã: Cần chính sách đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.