Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quá nhiều kẽ hở

Bách Sen| 02/06/2013 05:40

(HNM) - Bên lề kỳ họp Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Bùi Thị An (ĐBQH Đoàn Hà Nội) đã trao đổi với Báo Hànộimới về những vấn đề

- Theo báo cáo của Chính phủ, trung bình mỗi năm có tới 7% mẫu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lưu thông trên thị trường không bảo đảm chất lượng, gần 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về nhãn mác thuốc BVTV. Vấn nạn này ảnh hưởng thế nào đến miếng cơm manh áo của nông dân và sức khỏe người tiêu dùng, thưa bà?

- Đúng là đang có hiện tượng, bà con nông dân không phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật. Việc dư lượng của nhiều loại độc tố nguy hiểm lưu tồn trong cây trồng không chỉ khiến giá trị sản phẩm giảm, người nông dân thất thu mà còn là nguy cơ thường trực, gây nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng.

- Chúng ta đã có quy định để hạn chế thực phẩm nhập khẩu kém chất lượng, nhưng tại sao tình trạng hàng nhập lậu kém chất lượng vẫn phổ biến trên thị trường?

- Đó là do khâu kiểm soát có nhiều kẽ hở. Trách nhiệm chính thuộc về lực lượng hải quan. Theo quy định, hải quan Việt Nam có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... Nhưng rau, củ, quả Trung Quốc kém chất lượng vẫn tuồn vào Việt Nam qua cả đường bộ, đường biên, đường không.

- Phải chăng do cơ chế thanh kiểm tra lỏng lẻo, chồng lấn giữa các bộ, ngành nên mới dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý trong công tác KDTV, thưa bà?

- Đang có đến 8 cơ quan đầu mối về KDTV nên xảy ra chuyện chồng lấn trách nhiệm là đương nhiên. Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm của 3 cơ quan chủ chốt. Trong đó, cần nhấn mạnh rõ vai trò chủ trì của Bộ NN&PTNT, vai trò phối hợp của Bộ Công thương, Hải quan Việt Nam về BVVKDTV. Viết như Dự thảo Luật BVVKDTV hiện nay là quá chung chung.

- Một trong những vấn đề cử tri quan tâm hiện nay là quy trình công bố dịch sinh vật gây hại thực vật, điều kiện công bố hết dịch. Vấn đề này đã được tính kỹ trong Dự thảo Luật BVVKDTV?

- Dự thảo đã có quy định nhưng theo tôi cần bổ sung các điều khoản, chế tài để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan công bố dịch. Dư luận từng xì xào mức độ công bố dịch không chuẩn theo thực tế, khiến người dân hoang mang, Nhà nước phải chi nhiều tiền phòng chống. Trong khi thực tế không cần phải nhiều kinh phí đến vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quá nhiều kẽ hở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.