Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn: Tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp

Nguyên Hoa| 05/08/2013 05:49

(HNM) - Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội có 4,3 triệu người trong độ tuổi lao động.

Những cách làm hay

Đào tạo lao động có tay nghề hướng đến mục tiêu tạo việc làm ổn định là hướng đi chính trong chương trình giải quyết việc làm (GQVL) của TP Hà Nội. Tính từ năm 2010 đến nay, thành phố đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để dạy nghề cho lao động mất việc làm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; khoảng 80 tỷ đồng để đào tạo nghề cho số lao động nông thôn tại 19 huyện, thị xã.

Học nghề thêu tay tại làng nghề Quất Động (Thường Tín). Ảnh: Bảo Lâm


Điển hình trong công tác đào tạo nghề, GQVL cho người lao động là Đan Phượng, một trong những huyện có nhiều dự án lớn của thành phố nên số lao động bị mất việc làm những năm gần đây tăng cao. Từ năm 2008, huyện đã phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề cho 20.244 lao động. Các cấp chính quyền đã tích cực thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp, mở rộng diện tích trồng cam Canh, bưởi Diễn, trồng rau, quả an toàn, trồng hoa… Trong 5 năm qua, huyện Đan Phượng đã GQVL cho 19.983 lao động, bình quân mỗi năm GQVL cho 3.996 người. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo hằng năm tăng nhanh. Nếu như năm 2007 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 25% thì năm 2012 là 48%. Đây thực sự là "cần câu" giúp người dân địa phương có cơ sở để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, ổn định tình hình, hạn chế phát sinh tệ nạn.

Tương tự như huyện Đan Phượng, xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hết sức cần thiết nên huyện Chương Mỹ đã triển khai thực hiện dự án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Qua khảo sát cho thấy có tới 13.985 người lao động trên địa bàn có nhu cầu học nghề. Từ kết quả này, UBND huyện đã xây dựng đề án và sau 3 năm triển khai thực hiện (2010-2012) đã có 1.392 học viên tham gia học nghề. Hầu hết lao động sau khi được đào tạo nghề đã làm đúng công việc được đào tạo và tỷ lệ lao động có việc làm đạt 85%. Đặc biệt, huyện Chương Mỹ đã xây dựng thí điểm mô hình dạy nghề gắn với bao tiêu sản phẩm cho một lớp trồng hoa và hai lớp rau an toàn tại xã Thụy Hương hoạt động rất hiệu quả, thu nhập của người lao động tương đối ổn định. Năm 2013 này, UBND huyện Chương Mỹ đặt mục tiêu tiếp tục dạy nghề cho 1.100 lao động nông thôn.

Chuyển biến toàn diện

Theo thống kê, sau một năm mở rộng địa giới hành chính (2009), toàn thành phố có 160.000 lao động không có việc làm, dự báo đến năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 242.000 người. Bởi vậy, chương trình GQVL giai đoạn 2009-2010 và định hướng đến năm 2020, thành phố đặt ra mục tiêu bình quân mỗi năm GQVL cho trên 100.000 lao động. Để thực hiện những mục tiêu này, thành phố đã triển khai 6 nhóm giải pháp chính. Trước hết, tập trung đầu tư phát triển sản xuất tạo việc làm cho người lao động gắn với phát triển bền vững thị trường lao động; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực dạy nghề, thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mặt khác, thành phố quan tâm GQVL vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động; tuyên truyền, nâng cao quản lý nhà nước về lao động việc làm, thông tin thị trường lao động và cải cách hành chính.

Thực hiện các giải pháp trên, trong 5 năm trở lại đây, 262 cơ sở, trường dạy nghề trên địa bàn thành phố đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng dạy nghề. Theo đánh giá của người sử dụng lao động, kỹ năng nghề của lao động Thủ đô qua đào tạo trên 30% đạt khá, giỏi. Ngoài ra, thông qua các "kênh" như: Nguồn Quỹ quốc gia GQVL, các phiên giao dịch việc làm, xuất khẩu lao động… 5 năm qua, toàn thành phố đã GQVL cho 135.800 lao động, đạt 97% kế hoạch; tổ chức được 106 phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng được 25.000 lao động; xét duyệt 1.700 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia GQVL thành phố với số tiền 295 tỷ đồng, GQVL cho 24.500 lao động.

GQVL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác an sinh xã hội, có ý nghĩa to lớn trong việc ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, UBND TP Hà Nội đã huy động nhiều "kênh", triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện chương trình GQVL của thành phố. Giai đoạn 2010-2015, các ngành chức năng tiếp tục vào cuộc tích cực hơn nữa với nhiều giải pháp thiết thực để phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp là 4,8%; tiếp tục triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả công tác GQVL trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Đình Đức:
Hà Nội đạt kết quả quan trọng về giảm nghèo

Tại thời điểm 1-8-2008, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chiếm tới 5,72%. Trước thực tế này, cùng với việc điều chỉnh những giải pháp phù hợp với đặc thù của địa phương, Sở đã tham mưu có cơ chế riêng tạo điều kiện giúp khoảng 100.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn. Đồng thời thành phố nâng mức hỗ trợ xây, sửa nhà ở dột nát, hư hỏng nặng cao hơn quy định của TƯ; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo, miễn giảm học phí, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho hộ nghèo; dạy nghề cho 1.000 lao động nghèo/năm… Nhờ vậy, trung bình mỗi năm cả thành phố có trên 20.000 hộ được hỗ trợ thoát nghèo (tương đương giảm hộ nghèo từ 1,5-2%/năm). Đến cuối năm 2012, Hà Nội còn hơn 59.000 hộ nghèo, chiếm 3,55% tổng số hộ. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố sẽ giảm xuống dưới 2%, nhưng với đà này chỉ hết năm 2014 chúng ta đã có thể thực hiện được.

Cùng với đó, các lĩnh vực an sinh xã hội, đào tạo việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn cũng đã thu được nhiều kết quả. Hà Nội hiện là thành phố duy nhất của cả nước có hai trung tâm giới thiệu việc làm và cũng là địa phương đầu tiên được Bộ LĐ,TB&XH thí điểm tổ chức sàn giao dịch việc làm…

Đà Đôngghi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn: Tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.