Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ phận "một cửa" chật hẹp và quá tải: Kiến nghị nhiều, chậm chuyển biến

Hiền Chi| 17/09/2013 06:24

(HNM) - Trụ sở cơ quan phân tán, diện tích bộ phận

Hoạt động tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Bá Hoạt


Theo quy định, bộ phận "một cửa" các phường phải niêm yết công khai thủ tục hành chính, bố trí ghế ngồi, bàn viết cho công dân và các trang thiết bị khác phục vụ điều kiện làm việc. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn TP Hà Nội còn khá nhiều xã, phường chưa đáp ứng đủ điều này. Đơn cử như huyện Ba Vì còn nhiều xã không đủ diện tích theo quy định. Hiện có tới 25 xã phải bố trí bộ phận "một cửa" làm việc chung với các bộ phận chuyên môn. Quận Đống Đa cũng còn nhiều phường không đủ diện tích 40m2 như: Hàng Bột, Khâm Thiên, Văn Chương, Phương Liên… Theo ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa: Trụ sở UBND nhiều phường được xây dựng từ nhiều năm nay đã xuống cấp. Phòng tiếp dân không bảo đảm diện tích theo quy định nên khó khăn trong việc bố trí các điều kiện cần thiết của bộ phận "một cửa". Điều này cũng làm giảm sự trang nghiêm của cơ quan công quyền. Thậm chí, các phòng, ban chuyên môn (Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Y tế, Phòng Giáo dục - Đào tạo) của UBND quận cũng không nằm trong khuôn viên của UBND quận. Tương tự, Sở Tài chính hiện cũng bị phân tán ở 4 trụ sở đã ảnh hưởng tới việc lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ công tác. Theo quy định, bộ phận "một cửa" là đầu mối tiếp nhận hồ sơ rồi chuyển giao cho các phòng chuyên môn, sau khi phòng chuyên môn giải quyết xong lại bàn giao lại bộ phận "một cửa", vì thế việc các phòng, ban không ở cùng khuôn viên vừa khiến cán bộ vất vả trong việc bàn giao, vừa không an toàn cho hồ sơ, lại khó bảo đảm yêu cầu về thời gian. Trong khi đó, nhiều thủ tục hành chính đòi hỏi phải trả ngay trong ngày.

Cùng với khó khăn về địa điểm, vấn đề nhân sự cũng là mối quan tâm của nhiều đơn vị. Đến nay, Sở Tài chính vẫn không có Phòng Pháp chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác thực hiện tham gia ý kiến, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách. Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, đội ngũ cán bộ trẻ, mới vào nghề chưa có kinh nghiệm trong công tác, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng văn bản. Tình trạng quá tải công việc cũng đang là áp lực đối với cán bộ bộ phận "một cửa" ở nhiều đơn vị.

Theo Thông tư số 06/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn, thì nhiệm vụ của cán bộ Văn phòng - Thống kê là tham mưu giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực: Văn phòng, thống kê, tổ chức, nhân sự, thi đua khen thưởng, kỷ luật, tôn giáo, dân tộc, thanh niên. Do đó, để đảm đương được nhiệm vụ, không ít đơn vị vẫn phải bố trí cán bộ "một cửa" kiêm nhiệm chứ không bảo đảm chuyên trách như quy định của công tác CCHC. Quá tải và áp lực nhất hiện nay vẫn là đối với cán bộ tư pháp tại các quận, huyện. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới quá tải là do thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản song ngữ hiện nay chỉ được thực hiện tại cấp quận, huyện (trước đây đã giao cho các xã, thị trấn). Ở một số đơn vị, trung bình hằng ngày cán bộ Phòng Tư pháp và cán bộ "một cửa" phải thực hiện hàng trăm chữ ký và đóng khoảng vài nghìn lượt dấu các loại (dấu bản sao, dấu soát, dấu số bản sao, dấu chứng thực và dấu tên - chức danh).

Đáng nói là những bất cập này diễn ra từ nhiều năm nay, các đơn vị đã kiến nghị nhiều lần với các cơ quan có thẩm quyền, song vẫn tồn tại năm này qua năm khác. Một trong những yêu cầu của công tác CCHC là tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện bất cập và đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tìm hướng tháo gỡ vướng mắc, song các kiến nghị vẫn không được giải quyết cũng là vấn đề gây trở ngại trong thực thi công vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác CCHC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ phận "một cửa" chật hẹp và quá tải: Kiến nghị nhiều, chậm chuyển biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.