Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy nghề và học nghề: Không cùng nhìn về một hướng (bài 1)

Kiều Oanh - Nguyên Hoa| 29/10/2013 05:59

LTS: Đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hướng đến mục tiêu tạo việc làm bền vững cho người lao động là hướng đi chính trong chương trình giải quyết việc làm của thành phố Hà Nội đến năm 2020.

LTS: Đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hướng đến mục tiêu tạo việc làm bền vững cho người lao động là hướng đi chính trong chương trình giải quyết việc làm của thành phố Hà Nội đến năm 2020. Trong 3 năm (từ 2010 đến 2012), thành phố đã đầu tư 39 tỷ đồng cho các cơ sở để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề. Điều đó phần nào thể hiện sự quan tâm của các ngành chức năng, nhưng hiệu quả từ thực tiễn cho thấy, cả việc dạy nghề và học nghề hiện còn nhiều hạn chế với ngổn ngang bất cập, khó khăn bởi cả hai phía chưa có điểm chung.

Bài 1: Chủ trương đúng, kinh phí đủ, vẫn chật vật

Cơ sở vật chất các trường, trung tâm dạy nghề của thành phố Hà Nội được đầu tư khang trang, hệ thống thiết bị dạy học hiện đại và đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Vậy nhưng, không vì thế mà việc tuyển sinh học nghề cũng như dạy nghề đã mang lại kết quả tốt. Mọi việc chỉ xuôi chèo mát mái ở một số ít đơn vị; còn đa số trường, trung tâm dạy nghề rơi vào cảnh chật vật, trong khi đó, người có nhu cầu học nghề lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của thực trạng này là gì?

Giờ thực hành của học sinh Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Cánh cửa để đi tới thành công

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có hơn 53 triệu dân số trong độ tuổi lao động, nhưng số người có trình độ, tay nghề rất hạn hẹp (chỉ khoảng 30%). Thực tế này đặt ra vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và được thành phố quan tâm với nhiều chương trình, giải pháp. Những năm gần đây nguồn lực đầu tư của Hà Nội cho dạy nghề ngày một tăng, trong đó chủ yếu đầu tư đổi mới trang thiết bị dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng, đổi mới giáo trình, chương trình giảng dạy. Tính từ năm 2010 đến nay, thành phố đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để dạy nghề cho lao động mất việc làm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Khoảng 80 tỷ đồng đã được đầu tư để đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại 20 huyện, thị xã.

Hà Nội hiện có 276 cơ sở dạy nghề (trong đó cơ sở tư nhân chiếm gần 67%), trong đó có 24 trường trung cấp nghề công lập ở 29 quận, huyện. Số học sinh tốt nghiệp đạt trên 95%, tỷ lệ học sinh có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 70%. Với sự quan tâm khá toàn diện của thành phố, cánh cửa đi tới thành công đã mở ra với hệ thống trường, trung tâm dạy nghề và người học nghề. Tiêu biểu, Trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội khá thành công trong công tác tuyển sinh, dạy và học nghề. Năm 2013, trường cho "ra lò" lứa đầu tiên, với 97% sinh viên tốt nghiệp, thì tới 80% có việc làm ổn định, thu nhập đạt từ 4 đến 12 triệu/tháng. Đáng chú ý, trong khi các trường, trung tâm dạy nghề phải loay hoay với bài toán tuyển sinh mà vẫn không đủ chỉ tiêu thì Trường CĐ Nghề công nghệ cao lại khá nhàn nhã. Chia sẻ bí quyết thành công, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi quyết định chọn mô hình đào tạo, trường đã khảo sát kỹ nhu cầu của người học, sau đó mới đầu tư trang thiết bị dạy học với phương châm học đi đôi với hành, thời gian học và thời gian thực hành tương đương nhau. Bên cạnh đó, trường chú trọng liên kết với cơ quan, tổ chức, DN để tìm việc làm cho sinh viên trong và sau thời gian học. Với cách làm đó, 100% sinh viên khoa điện tử, cơ khí, hàn, điện… sau khi tốt nghiệp có việc làm và có mức lương phù hợp.

Cơ chế vận hành chưa phù hợp

Theo đánh giá của người sử dụng lao động, kỹ năng nghề của lao động đã qua đào tạo hiện chỉ đạt 30% loại khá giỏi, gần 59% đạt trung bình. Điều đáng nói là mặc dù được đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị dạy nghề theo hướng tiên tiến, từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế, chủ động đổi mới, mở nhiều ngành nghề xã hội đang có nhu cầu, thậm chí kết nối với DN có đơn "đặt hàng" nhưng công tác đào tạo nghề hiện chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Cụ thể, số lượng học sinh, người lao động đăng ký học nghề ngày càng giảm, việc tuyển sinh dù được thực hiện bằng nhiều chiêu thức như tiếp thị, quảng cáo, giảm học phí... nhưng kết quả vẫn hạn chế, hầu hết các trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí chỉ đạt mức rất thấp.

Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội - ông Trần Văn Minh phân trần: Dù đã làm hết cách từ tuyên truyền đến từng trường phổ thông, đưa học sinh đến tham quan môi trường học nghề, không thu học phí đối với thí sinh đỗ ĐH đi học nghề, miễn học phí một số môn học, miễn tiền ở ký túc xá cho sinh viên, học viên loại giỏi sẽ nhận được học bổng của nhà trường và DN… nhưng kết quả tuyển sinh rất hạn chế.

Nói về nguyên nhân của thực trạng này, nhiều lãnh đạo các trường, trung tâm dạy nghề khẳng định, về chủ trương, chính sách đối với công tác đào tạo nghề không có gì phải bàn, song bên cạnh đó còn quá nhiều bất cập. Theo Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Trinh, tâm lý các bạn trẻ hiện nay là tấm bằng ĐH. Đây đã là một khó khăn đặt ra với công tác đào tạo nghề, song chưa hết, hiện nay, các trường ĐH, CĐ mọc ra như "nấm" với đủ hệ như tại chức, đào tạo tín chỉ, liên thông… nên số học sinh chọn đi học nghề chỉ là "vét". Việc này đặt cho các trường bài toán không có lời giải, đó là lấy nguồn nào để tuyển sinh và làm gì để xoay chuyển cỗ máy đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, chuyên môn đang lệch pha trầm trọng?

Một bất cập nữa được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nghề đề cập, đó là việc chưa có cơ chế ràng buộc liên kết giữa các trường, giữa trường với DN, dẫn đến tình trạng "đèn nhà ai nấy rạng", trường nghề nào cũng tự tìm cho mình các chiêu thức thu hút học sinh, tạo sự cạnh tranh khốc liệt. Do thiếu sự kiểm tra, giám sát, dẫn đến chất lượng dạy, học tùy tiện, trang thiết bị đầu tư tràn lan, hoặc không đúng nhu cầu học sinh. Tình trạng mượn giáo viên, trao đổi tiết học, thậm chí đâu đó có tình trạng mở lớp xong, người được hỗ trợ tiền học nghề chỉ đến trường ký lĩnh tiền rồi về. Một thực tế nữa là, hiện nay việc tôn vinh thợ giỏi nghề, có trình độ chuyên môn cao chưa được chú trọng, nhất là chưa có chính sách ưu đãi thỏa đáng nên khó kêu gọi giới trẻ yên tâm chọn học nghề như mong muốn.

Năm 2013 Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu dạy nghề cho gần 40.000 lao động nông thôn, nâng con số lao động qua đào tạo ở nông thôn lên 30%, chất lượng lao động qua đào tạo nghề đạt 23%. Nhưng, theo thống kê, công tác đào tạo nghề của thành phố từ đầu năm đến nay mới đạt 40% kế hoạch đề ra. Còn 3 tháng cuối năm khi mùa tuyển sinh đã qua, liệu con số 60% còn lại có đạt được? Đó là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy nghề và học nghề: Không cùng nhìn về một hướng (bài 1)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.