Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác để ứng phó thiên tai

Chí Kiên| 19/11/2013 06:03

(HNM) -

Những kỷ lục mới về mức độ khốc liệt của thiên tai

Việt Nam đang phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Từ đầu năm đến nay, nước ta đã hứng chịu 15 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới. Chỉ trong thời gian cuối tháng 9, đầu tháng 10, Việt Nam liên tục chịu 2 trận bão lớn, gây thiệt hại lên đến gần 19.000 tỷ đồng; đã có hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương... Cơn bão số 15 xảy ra gần đây nhất đã, đang gây ra những hậu quả nặng nề về lũ lụt cho người dân miền Trung. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định... đã ghi nhận mức lũ lịch sử. Trước đó, siêu bão Haiyan được ghi nhận mạnh nhất trong lịch sử đổ bộ vào Philippines đã gây ra hậu quả thảm khốc. Để ứng phó với bão Haiyan, Chính phủ Việt Nam đã huy động mọi lực lượng, tổ chức đợt sơ tán dân được coi là lớn nhất trong lịch sử, khoảng trên dưới 1 triệu người, đến nơi an toàn; huy động lực lượng hùng hậu về nhân lực, phương tiện để tổ chức ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Siêu bão đã không đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta khi đang có sức gió mạnh nhất nhưng cũng đã gây thiệt hại đáng kể đối với những địa phương khu vực Đông Bắc bộ. Sau siêu bão Haiyan, nhiều ý kiến khẳng định: Việt Nam đã chủ động chống thiên tai và đây là đợt diễn tập lớn nhất để phòng, chống những đợt thiên tai tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng: "Sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam từ cấp cao nhất đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của cơn bão và số người thiệt mạng".

Thiên tai đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Ảnh: TTXVN


Tuyên bố mới đây về khí hậu toàn cầu năm 2013 của Tổ chức Khí tượng thế giới cho thấy, chỉ trong hơn một thập kỷ đầu của thế kỷ này, mực nước biển dâng cao kỷ lục với tốc độ gấp đôi thế kỷ XX; bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, bão tuyết và giá rét, lốc xoáy, hạn hán, cháy rừng… gay gắt và kéo dài. Năm 2013 là một trong 10 năm có nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1850. Châu Á và Châu Âu là những khu vực đang phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất toàn cầu. Đặc biệt, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực hứng chịu khoảng 70% thiên tai toàn cầu và 2/3 nạn nhân của thiên tai ở Châu Á. Chỉ trong 5 năm qua, thế giới đã liên tục chứng kiến những thảm họa thiên tai chưa từng có ở khu vực này, đó là động đất và sóng thần tại Nhật Bản, lũ lụt ở Thái Lan cùng năm 2011; nhiều trận bão, siêu bão ở Philippines và bão lụt trên diện rộng mới đây ở Châu Âu.

Chung tay ứng phó thảm họa

Bước vào thế kỷ XXI, các thảm họa thiên nhiên trở nên khắc nghiệt hơn rất nhiều, gia tăng đột biến cả về tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng. "Trước những thách thức toàn cầu về thiên tai đang xảy đến với chúng ta, các nước trong khu vực và trên thế giới cần phải xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến ứng phó với thảm họa thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu". - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Chia sẻ về những kinh nghiệm ứng phó, cứu trợ thiên tai, bà Pratibha Mehta, cho rằng các quốc gia thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, trong đó có Việt Nam, phải quan tâm các vấn đề như điều chỉnh hệ thống thể chế; phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị phải được quy hoạch để giảm thiểu rủi ro thiên tai; đầu tư nguồn lực tài chính với quan điểm "1 USD đầu tư cho phòng, chống tương đương với 7 USD để khắc phục, phục hồi thiệt hại thiên tai". Tán thành quan điểm này, ông Akihiro Shimasaki (Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản) đã đưa ra các khuyến nghị: Đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép với phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp giữa biện pháp công trình và phi công trình, nhất là hệ thống cảnh báo sớm; nâng cao chất lượng hạ tầng ở những khu vực dễ bị tổn thương; đồng thời, nâng cao khả năng chống chọi cho người dân...

Ở một khía cạnh khác, ông Claus Sorensen, Tổng vụ trưởng Vụ Cứu trợ và Bảo vệ dân sự thuộc Ủy ban Châu Âu, khái quát: "Chúng ta phải xây dựng được một hệ thống quản trị rủi ro, trong đó các ngành, nông nghiệp, giao thông, điện, năng lượng... phải có kế hoạch nâng cao khả năng chống chọi thiên tai và biến đổi khí hậu. Điều tiên quyết là phải nâng cao trách nhiệm giải trình và có một hệ thống tài khoản quốc gia mạnh; hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia tốt... Tất cả những vấn đề này đều phải nằm trong một hệ thống dựa trên sự minh bạch".

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hội nghị lần này là diễn đàn liên khu vực quan trọng hội tụ 51 thành viên của hai châu lục Á - Âu với tiềm năng công nghệ và kinh tế đáng kể, ASEM hoàn toàn có khả năng và có trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung trong ứng phó thiên tai. Phó Thủ tướng đề nghị các bên trao đổi, nghiên cứu khả năng sớm thiết lập mạng lưới kết nối các trung tâm, các viện nghiên cứu và hệ thống cảnh báo sớm thiên tai của các thành viên ASEM với nhau cũng như giữa hai châu lục và với các cơ chế khu vực, quốc tế. ASEM cần có hành động chung cụ thể và mạnh mẽ hơn trong việc triển khai "Khuôn khổ hành động Hy-ô-gô" của Liên hợp quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác để ứng phó thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.