Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm cao, giải pháp cụ thể: thoát nghèo bền vững

Nguyên Hoa| 07/04/2014 06:05

Bài đầu: Những giải pháp thiết thực LTS: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều chính sách, giải pháp giúp người nghèo, đời sống của các hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng được cải thiện...

LTS: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều chính sách, giải pháp giúp người nghèo, đời sống của các hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng được cải thiện. Sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo từ 7,52% vào đầu năm 2011 đã giảm xuống còn 2,6% vào cuối năm 2013. Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% (đạt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015). Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này, thành phố vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Bài đầu: Những giải pháp thiết thực

Năm 2013, TP Hà Nội đã có 16.500 hộ thoát nghèo, mục tiêu trong năm 2014 là khoảng 14.500 hộ và năm 2015 là 10.000 hộ. Để đạt được kết quả trên, Hà Nội đang chú trọng nhiều hình thức để người dân thoát nghèo bền vững.

Dạy nghề cho thanh niên để tạo việc làm, thoát nghèo ngay tại quê hương. Ảnh: Yến Ngọc


Khơi dậy ý chí thoát nghèo

Chị Nguyễn Thị Thu, nhà ở khối 7, thôn Vị Nhuế, xã Tiên Phong (Ba Vì) có 7 khẩu nhưng 3 lao động chính trong gia đình là hai vợ chồng chị và mẹ già ốm đau liên miên. Nhiều năm nay, gia đình chị luôn thuộc diện hộ nghèo của xã. Dù làm một mẫu ruộng nhưng thường mất mùa trong vụ chiêm nên gia đình đã nghèo càng nghèo hơn. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị Thu, năm 2012, lãnh đạo xã đã xét duyệt cho chị vay 15 triệu đồng để phát triển sản xuất. Có tiền, chị mua gà về nuôi vừa bán thịt, vừa bán trứng. Sau hơn một năm chăm chỉ làm ăn, gia đình chị đã thoát nghèo, mua được xe máy, ti vi. Chị Thu phấn khởi nói: "Vợ chồng tôi tuy sức khỏe yếu nhưng không quản ngại mưa nắng, nay được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, chúng tôi rất phấn khởi và thêm quyết tâm thoát khỏi đói nghèo". Chị Thu còn cho biết thêm, trong tháng tới gia đình chị sẽ được vay thêm khoảng 8 triệu đồng từ một dự án khác. Vợ chồng chị tính sẽ mua thêm đôi lợn nái về nuôi…

Ở tổ 26, phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy), gia đình ông Lê Vĩnh Chiêm chỉ có 3 khẩu nhưng nằm trong diện nghèo bởi mọi sinh hoạt hằng ngày đều trông chờ vào hơn 2 triệu đồng phụ cấp của vợ ông. Giúp gia đình ông vươn lên, phường Nghĩa Tân và quận Cầu Giấy đã trích Quỹ Vì người nghèo của phường và của quận hỗ trợ 18 triệu đồng để mua xe máy cho con trai ông Chiêm làm nghề xe ôm. Ông Chiêm chia sẻ: "Được chính quyền địa phương giúp đỡ, gia đình tôi rất phấn khởi. Tôi luôn động viên con phải chăm chỉ để cuộc sống gia đình đỡ khó khăn".

Không chỉ Ba Vì hay Cầu Giấy mà tại các địa phương trên địa bàn thành phố, dù mỗi nơi một cách làm khác nhau nhưng đều chú trọng đến việc cho vay vốn hoặc hỗ trợ công cụ sản xuất để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Hà Nội duy trì chương trình vay bò sinh sản cho các hộ nghèo có nhu cầu và có khả năng chăn nuôi tham gia chương trình với phương thức vay bò trả bò. Chương trình được thực hiện từ năm 2007 tại 6 xã thuộc 9 huyện, tổng kinh phí ban đầu trên 15,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố với 2.300 con bê. Đến nay, đã có trên 1.700 bê con được sinh, trong đó có trên 500 bê cái đã đủ tiêu chuẩn luân chuyển cho các hộ khác tiếp tục vay. Cũng từ năm 2007, đã có trên 10.000 người nghèo được học nghề miễn phí với các nghề: Tin học, nấu ăn, dệt may, sửa chữa xe, mộc, khảm, mây tre đan… với tổng kinh phí hỗ trợ gần 24,2 tỷ đồng. Thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956, hơn 3.000 người thuộc diện hộ nghèo, gần 700 người thuộc hộ cận nghèo đã được tham gia học nghề…

Nhập cuộc cùng người nghèo

Để hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên, rất nhiều địa phương đã thiết lập cầu nối giữa doanh nghiệp và người nghèo trong công tác giải quyết việc làm. Các doanh nghiệp trên địa bàn khi có nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ thông báo đến UBND quận, huyện; quận, huyện sẽ báo cho phường, xã để gửi lao động nghèo vào các cơ sở. Ngược lại, các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ được vay vốn ưu đãi với thủ tục nhanh gọn. Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết: "Một số doanh nghiệp đứng chân tại địa phương đã tuyển dụng người lao động tại địa phương vào làm việc như Công ty Du lịch Ao Vua, Công ty cổ phần Bình Minh. Ngoài ra, các công ty này đã đóng góp nhiều cho Quỹ xóa đói giảm nghèo của huyện, nhờ đó mà huyện có thêm nguồn để chi cho các hoạt động giảm nghèo. Vào những ngày lễ, Tết các doanh nghiệp cũng hỗ trợ nhiều phần quà để tặng các hộ nghèo, hộ chính sách. Sự hưởng ứng của các doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là các hộ nghèo để có cuộc sống ổn định".

Sống trong ngôi nhà mới đã gần một năm nay nhưng bà Nguyễn Thị Xuân, số nhà 2, ngõ 394, tổ 9, phường Dịch Vọng vẫn không giấu được niềm vui khi được hỏi về sự quan tâm của chính quyền: "Nhờ sự quan tâm của quận, của phường, mẹ con tôi đã được xây nhà đại đoàn kết trị giá gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, hằng tháng địa phương còn hỗ trợ cho cháu nhà tôi 350.000 đồng, tặng xe đạp cho cháu đi học và hỗ trợ 1 triệu đồng mua sách bút vào dịp đầu năm học". Xây nhà mới xong, địa phương còn cấp vốn cho mẹ con bà Xuân 8 triệu đồng để phát triển kinh tế. Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Phương cho biết: "Mục tiêu giảm nghèo mà quận Cầu Giấy hướng đến là để các gia đình phải thoát nghèo bền vững. Ngoài việc hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, chúng tôi còn hỗ trợ vốn ban đầu để họ vươn lên thoát nghèo. Đã có 121 hộ nghèo được cấp vốn sản xuất hoặc cấp phương tiện làm ăn thích hợp với từng hộ, như: Cấp máy ép nước mía, máy may, cấp xe máy để chạy xe ôm, cấp xe đạp để các cháu đi học…". Xác định rõ cách làm và mục tiêu hướng đến nên Cầu Giấy là đơn vị đi đầu trong công tác này của thành phố với kết quả giảm 31 hộ nghèo năm 2013, đạt 103,3% kế hoạch.

Qua rà soát cho thấy, nguyên nhân nghèo được xác định là do thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; thiếu đất canh tác, phương tiện sản xuất; thiếu lao động chính, đông người ăn theo; không có việc làm, không có tay nghề; ốm đau, mắc tệ nạn, chây lười lao động. Sau khi xác định được những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, thành phố và các địa phương đã có biện pháp cụ thể trong việc đồng hành cùng người dân trong cuộc chiến xóa nghèo. Điển hình như một số quận, huyện: Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoài Đức… chủ động lập kế hoạch chi tiết, chỉ ra những nguyên nhân nghèo, yêu cầu trợ giúp từng gia đình nghèo từ đó giao cho các hội, đoàn thể của quận và phường kèm cặp giúp đỡ, hướng dẫn và tư vấn kinh nghiệm phát triển kinh tế. Sự quyết tâm của hệ thống chính trị, đồng thuận của nhân dân đã tạo ra các nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp các hộ nghèo có thêm lòng tin, ý chí, biết cách tổ chức cuộc sống, biết học hỏi cách làm ăn để tận dụng cơ hội trợ giúp của chương trình hiệu quả hơn. Đó cũng chính là yếu tố quyết định trong việc giảm nghèo của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm cao, giải pháp cụ thể: thoát nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.