Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có chế tài với người trục lợi

Hà Phong| 19/04/2014 06:46

(HNM) - Vợ đẻ, chồng có thể được nghỉ từ 5 đến 7 ngày; tăng tuổi nghỉ hưu của nữ giới từ 55 lên 60, nam từ 60 lên 62; bổ sung thêm Bảo hiểm hưu trí… Đó là những đề xuất đáng lưu ý được Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 18-4.


Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cơ chế kiểm tra giám sát để giảm dần tình trạng trục lợi BHXH lại là cả vấn đề. Theo BHXH Việt Nam, đang có hơn 50% doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Năm 2014, BHXH Việt Nam phải thu 200 nghìn tỷ đồng nhưng đến đầu tháng 4 này, con số nợ đọng đã lên đến 11 nghìn tỷ đồng.

Mở rộng diện đóng BHXH

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhận định, nguyên nhân khiến quỹ BHXH đứng trước nguy cơ cạn kiệt là do quy định về tuổi nghỉ hưu thấp, trong khi đó tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng đã đặt gánh nặng lên phần trả lương hưu thuộc quỹ BHXH. Hiện nay, số người tham gia BHXH rất thấp, mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động. Để bảo đảm quỹ cân đối bền vững, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đã đề xuất nhiều biện pháp như: bổ sung thêm Bảo hiểm hưu trí; tăng mức đóng, áp dụng chế độ BHXH bắt buộc đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng; đồng thời, có chính sách khuyến khích người tham gia BHXH như: vợ đẻ, chồng có thể được nghỉ để chăm sóc từ 5 đến 7 ngày, quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng.

Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.Ảnh: Như Ý



Cụ thể, từ năm 2016 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức với thời gian thực hiện là mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Riêng với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vẫn giữ như quy định hiện hành. Tiếp nữa là việc sửa đổi tăng tỷ lệ giảm trừ tỷ suất tích lũy lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Đề xuất này được Bộ LĐ-TB&XH cho là sẽ hạn chế số người nghỉ hưu trước tuổi.

Chính sách mới vẫn có lỗi

Thừa nhận nguy cơ vỡ quỹ BHXH ngày càng hiển hiện rõ, song nhiều ủy viên UBTVQH đã đặt các câu hỏi yêu cầu BHXH Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH giải đáp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, BHXH Việt Nam đã thống nhất với các đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra trong dự thảo. Song dường như hai cơ quan này mới chỉ lo cho quỹ bảo hiểm mất cân đối nếu không có giải pháp tăng thu, nhưng không đánh giá mức sống của người về hưu như thế nào? Hay cán bộ, chiến sĩ quân đội vốn hưởng hệ số lương gấp 1,8 lần so với mức bình quân, đến khi về hưu lại hưởng chế độ cao hơn các nhóm ở ngành nghề khác…

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính nhận định, yêu cầu giám sát chặt chẽ việc đóng BHXH, góp phần bảo đảm quyền lợi cho nhiều đối tượng là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện an sinh xã hội đã được quy định từ đầu năm 2007. Vậy nhưng, đến thời điểm này, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động vẫn chưa được bảo đảm. "Ước tính đang có khoảng 7 triệu người trong các DN chưa đóng BHXH. Trong khi đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vẫn chưa có giải pháp nắm bắt, quản lý các đối tượng chặt chẽ, thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý nhà nước về BHXH là chưa hợp lý" - ông Mai Đức Chính phân tích. Cũng theo ông Mai Đức Chính, Chính phủ mong muốn đối tượng tham gia BHXH ngày càng mở rộng, phấn đấu đến năm 2020 đạt 50% dân số. Tuy nhiên, ý kiến đề xuất nâng một số chức danh nữ được làm việc đến tuổi 60 không dễ thực hiện. Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, hầu hết lao động nữ đều không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt, đối với lao động phổ thông, như lao động nữ ngành cao su thì cứ đến 45 tuổi đều không đủ sức làm việc, dù tuổi hưu quy định ngành nặng nhọc này đã ở mức 50 tuổi. Đặc biệt, ngành dệt may, da giày, các doanh nghiệp chủ yếu chỉ sử dụng lao động đến 30 tuổi. Thế mới có chuyện nhiều đơn vị "thay máu" để tuyển người lao động mới nhằm chi trả ít hơn, tận dụng nhân công trẻ, khỏe.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu ý kiến, trong một số trường hợp với việc giữ một người "già" làm việc thì cũng mất đi một cơ hội việc làm cho thanh niên. Do đó, Chủ tịch QH cho rằng, cần tăng cường rà soát, điều tra nhu cầu ở các ngành nghề để có điều chỉnh phù hợp. Song song đó cần có chế tài đối với người trục lợi.

Năm 2015: Quốc hội giám sát về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự

Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về chương trình hoạt động giám sát của QH và UBTVQH năm 2015. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc thông báo, tính đến ngày 10-4-2014, Văn phòng QH đã nhận được 215 nội dung kiến nghị của các cơ quan. Sau khi xem xét, Văn phòng QH đề nghị UBTVQH giám sát: Hiệu quả sử dụng vốn ODA cho đầu tư phát triển trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh (giai đoạn 2004-2013). Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo trợ xã hội; kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược (trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ) cũng cần được làm rõ trong năm 2015. Về giám sát của QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, QH cần giám sát tối cao về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo Nghị quyết 37 của QH và hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

UBTVQH cũng đã cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ xin ý kiến QH về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.

Hồ Bách
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải có chế tài với người trục lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.