Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để “nước đến chân mới nhảy”

Võ Lâm| 24/04/2014 06:23

(HNM) - Ở các khu dân cư, tổ dân phố, thôn, làng, nơi cán bộ làm việc chủ yếu bằng sự nhiệt tình, với khoản phụ cấp mang tính chất động viên là chính, công tác tạo nguồn đang hết sức khó khăn.

Thay thế một người cũng khó

Bí thư Chi bộ số 1, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong khu dân cư có người phải kiêm nhiệm cùng lúc 7-8 nhiệm vụ vì tìm người chia sẻ công việc rất khó. Nhiều cán bộ tổ dân phố tại Khương Đình cũng thừa nhận là số người nhiệt tình công tác ngày càng ít đi vì tuổi cao, sức yếu. Trong khi những người trẻ hơn không muốn tham gia; thanh niên thì hầu như không tham gia việc địa phương. Đồng quan điểm trên, Tổ trưởng Tổ dân phố số 28, Khu dân cư số 7 (phường Khương Đình) Phạm Trọng Can quả quyết: "Hiện nay, có cán bộ tổ dân phố muốn nghỉ không được, vì không có người thay thế".

Tương tự, tại nhiều phường ở quận Hoàn Kiếm, tình trạng "cạn" nguồn cán bộ hệ thống chính trị ở cơ sở cũng đang hết sức nan giải. Nhiều năm nay, ở các phường Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Trống, Lê Thái Tổ, mỗi khi Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, hội trưởng hội phụ nữ sắp nghỉ, việc tìm người thay thế luôn là thử thách, khó khăn. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều nơi trong khu vực nội thành và từng được các cán bộ cơ sở phản ánh nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri, hội nghị đại biểu nhân dân hằng năm.

Trẻ hóa cán bộ sẽ giúp xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ) đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Linh Ngọc


Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, tình hình cũng không khá hơn. Huyện Phúc Thọ là nơi có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cấp cơ sở, nhưng những lo ngại về thiếu cán bộ thôn, thiếu đảng viên trẻ kế cận vẫn đang hiện hữu mà chưa có biện pháp căn cơ để giải quyết. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyễn Đình Sơn, tình trạng "già hóa" chi bộ, đảng bộ ở cấp thôn, làng ngày một tăng, thậm chí có chi bộ tuổi bình quân đảng viên là 51,6 tuổi. Thực tế này dẫn đến nhiều bất cập cho công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên ở chi bộ nông thôn rất khó vì hầu hết đảng viên tâm huyết, trách nhiệm nhưng tuổi cao, sức yếu. Nhiều địa phương, có đảng viên trên 70 tuổi vẫn phải giữ vị trí lãnh đạo chi bộ, thiếu nguồn đảng viên xốc vác để giới thiệu bầu chức danh trưởng thôn, cụm trưởng, dẫn tới chất lượng đội ngũ trưởng, phó thôn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. "Nhiều khi nghị quyết chi bộ đề ra, nhưng mọi việc thì cứ giậm chân tại chỗ" - Ông Nguyễn Đình Sơn cho biết.

Khắc phục tình trạng bị động

Trước thực trạng trên, đề án đào tạo 1.000 cán bộ nguồn cho TP Hà Nội từ nay đến năm 2015 được coi là bước đột phá, trong đó có 500 người được đào tạo làm công tác đảng các cấp, từ thành phố đến quận, huyện, thị xã; 200 chỉ tiêu dành cho khối đảng, đoàn thể cấp xã, phường, thị trấn; 300 chỉ tiêu cho khối chính quyền cấp xã. Với chất lượng đầu vào được kiểm soát chặt chẽ cùng quy trình, phương pháp đào tạo thực tế, khoa học, đề án này được các chuyên gia đánh giá là giúp Hà Nội yên tâm về nguồn cán bộ thành phố trong một hai nhiệm kỳ tới, ngay cả khi chỉ có khoảng 30% trong số trên trở thành những cán bộ chủ chốt các cấp… Đây là bài học, cũng là gợi ý về cách làm bài bản cho các cấp ủy cấp huyện, cấp xã về sự chủ động tạo nguồn cán bộ cho thôn, tổ dân phố.

Để có nguồn cán bộ cho thôn, tổ dân phố, các cấp ủy phải quyết tâm khắc phục tình trạng một người kiêm nhiều chức danh và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động. Tình trạng một cán bộ tổ dân phố phải kiêm 7-8 chức danh không có nghĩa là không có người làm giúp. Vấn đề đôi khi chính là vì chi bộ ở đó không quyết tâm tìm người và tuyên truyền, vận động họ tham gia. Tổ trưởng Tổ dân phố số 34 phường Khương Đình (Thanh Xuân) Vũ Việt Cường cho biết: "Tôi không đồng tình với việc cứ ai hăng hái thì đảm nhiệm hết chức danh này đến chức danh khác. Với đội ngũ đảng viên của các tổ, làm gì mà không tìm được cán bộ". Nếu quyết tâm không để một người kiêm nhiều chức, các thôn, tổ dân phố sẽ tìm kiếm người đảm đương các chức danh này. Đây chính là điều kiện, môi trường để tạo nguồn cán bộ.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể chưa coi trọng việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên, đoàn viên ứng cử vào các vị trí cán bộ thôn, tổ dân phố. Về mặt tâm lý, không được phân công nhiệm vụ, đảng viên, đoàn viên thường ngại tham gia. Nên nếu tổ chức chú trọng việc phân công, giao nhiệm vụ sẽ gỡ bỏ tâm lý này, khuyến khích tinh thần nhiệt tình của đảng viên, đoàn viên… Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến, đây là giải pháp căn cơ, cần thiết mà các cấp ủy cần thực hiện ngay. Mặc dù vậy, để giải bài toán về nguồn cán bộ cho thôn, tổ dân phố, cấp ủy xã, phường, thị trấn, cao hơn là cấp ủy quận, huyện, thị xã phải coi trọng và có chủ ý lãnh đạo cụ thể về việc này.

Sau khi chia tách địa giới hành chính huyện Từ Liêm, Hà Nội hiện có khoảng 10.000 thôn, tổ dân phố trực thuộc 584 xã, phường, thị trấn với tổng số trên 5.000 chi bộ địa bàn dân cư (khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm) cùng hàng nghìn tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể liên quan. Đội ngũ cán bộ khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm hiện nay chủ yếu là cán bộ về hưu, bộ đội xuất ngũ nên hầu hết đều tuổi cao.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để “nước đến chân mới nhảy”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.