Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người phụ nữ can trường vì công lý

Vân Nga| 01/07/2014 06:45

(HNM) - Nhân dịp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) công bố ủng hộ vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ của bà Trần Tố Nga lên Tòa án nước Pháp, chúng tôi đã gặp bà, người phóng viên chiến trường năm xưa, nay ở tuổi thất thập cổ lai hy vẫn can trường đấu tranh vì công lý cho hàng triệu người Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Câu chuyện của người phụ nữ 73 tuổi đã cuốn hút chúng tôi, những nhà báo trẻ trước một đồng nghiệp, cựu phóng viên chiến trường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đầy ác liệt.

Bà Trần Tố Nga phát biểu trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 13-6 tại trụ sở VAVA. Ảnh: Ngọc Thư



Vụ kiện của công dân Pháp gốc Việt Trần Tố Nga, đại diện bởi Văn phòng luật sư William Bourdon & Forestier ở Paris, đã chính thức được đệ trình lên Tòa án thành phố Evry, tỉnh Essonone (Cộng hòa Pháp) vào ngày 11-6. Vụ kiện này là một hành trình đầy gian nan, nhiều thách thức.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tính từ thời điểm đế quốc Mỹ lần đầu tiên rải chất độc hóa học da cam/dioxin xuống miền Nam Việt Nam (10-8-1961), nỗi đau vẫn hiện hữu đầy kinh hoàng, xót xa cho mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Các nạn nhân của thứ vũ khí hủy diệt tàn ác này đã 3 lần khởi kiện các công ty hóa chất của Mỹ nhưng vẫn bất thành. Gần 4,8 triệu người bị nhiễm, phơi nhiễm dioxin đã và đang gánh nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Hàng triệu gia đình có con, cháu ở các thế hệ sau phải mang trong mình nỗi đau và những căn bệnh quái ác. Bà Tố Nga là một trong số những người như thế.

Suốt cuộc đời bà mang nỗi ám ảnh về đứa con gái đầu lòng qua đời khi mới hơn một tuổi vì bệnh tim bẩm sinh, bong tróc da, sau này mới biết là do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Con gái thứ hai sinh ra đã mắc bệnh về da và máu. Chính bà Nga cũng bị căn bệnh lao nặng kéo dài tàn phá cơ thể, nhiều bộ phận trong cơ thể có những hạt nhỏ, có hạt đã canxi hóa...

Bà nhớ lại vào năm 1966, ở chiến trường Củ Chi, một lần đang dưới hầm, nghe tiếng máy bay rì rì, vừa chui ra xem thì bị một đám bột dính nước nhơn nhớt phủ đầy lên người. Khi đó bà là phóng viên của Thông tấn xã, thuộc Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tuy thường xuyên đưa tin về việc Mỹ rải chất độc da cam/dioxon song bà không hề hay biết mình cũng bị ngấm chất độc này. Trong suốt những năm từ 1966 đến 1970, bà sống và công tác trên tuyến đường Hồ Chí Minh, thường xuyên bị rải chất da cam.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau còn mang theo bao day dứt. Bà Tố Nga đã tích cực tham gia nhiều hoạt động công tác xã hội. Nhờ vốn ngoại ngữ tốt, bà đã vận động được nhiều nguồn tài trợ của Pháp để xây dựng trường học cho các tỉnh ở miền Bắc như Điện Biên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ… Ghi nhận những đóng góp tích cực trong công tác xã hội, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị Việt - Pháp, năm 2005, bà Trần Tố Nga đã được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Bà cũng được tạo điều kiện trở thành công dân mang quốc tịch Pháp.

Để đủ bằng chứng khoa học kiện các công ty của Mỹ, bà đã làm xét nghiệm tại CHLB Đức và kết quả xét nghiệm ở Đức kết luận nồng độ dioxin trong máu bà cao hơn mức cho phép khá nhiều. Bà chia sẻ: "Nhận được kết quả mang trong mình nồng độ dioxin cao mà tôi mừng rơi nước mắt. Tôi mừng vì mình đủ bằng chứng khoa học để đòi công lý cho hàng triệu người Việt Nam đang mang trong mình nỗi đau do chất độc da cam gây nên". Bà khẳng định đây là cuộc chiến cuối cùng để cống hiến cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Vụ kiện mới bắt đầu, để đi đến thành công là một hành trình dài đầy nhọc nhằn. Trên hành trình đó, bà không hề đơn độc khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của rất nhiều bạn bè quốc tế, nhất là những người bạn Pháp. Đặc biệt là sự giúp đỡ của vị luật sư nổi tiếng người Pháp là William Bourdon. Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam biểu thị sự đồng tình, ủng hộ và sẽ hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho bà Nga giảm bớt khó khăn trong quá trình theo đuổi vụ kiện. "Cuộc đấu tranh này không hận thù và không mang ý chí phục thù", và như bà Tố Nga khẳng định: "Tôi kiện không phải cho mình, mà là vì công lý, là mở đường, tạo tiền lệ cho các vụ kiện tiếp theo của các nạn nhân chất độc da cam".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ can trường vì công lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.