Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm trật tự đô thị và đời sống người dân

Hương Ly| 23/08/2014 06:00

(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về mức thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố trong đó có thu phí sử dụng hè, lề đường, lòng đường, bến bãi, mặt nước sẽ có hiệu lực từ ngày 30-8.



Khi xây dựng phương án thu phí, lệ phí, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố không thay đổi mức thu, chỉ điều chỉnh nội dung thu, tên phí với 3 loại phí, trong đó có phí sử dụng hè, lề đường… nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Một điểm trông giữ xe trên đường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Bá Hoạt


Phí sử dụng hè, lề đường - Xác định theo khu vực

Theo Quyết định số 54/2014/ QĐ-UBND, các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng hè, lề, lòng đường hay bến, bãi mặt nước để phục vụ mục đích kinh doanh trông giữ xe, trung chuyển vật liệu xây dựng, làm bến đò, cắm biển quảng cáo, dải phân cách… sẽ phải nộp phí. Mức thu phí cụ thể được quy định với 9 mục đích và được xác định theo từng khu vực, tuyến phố cụ thể. Trong đó, nếu sử dụng tạm thời hè, lề, lòng đường để trông giữ xe ô tô ở khu vực đô thị lõi, mức thu phí là 80.000 đồng/ m2/tháng; các tuyến phố còn lại, từ Vành đai 1 tới Vành đai 3 và khu vực ngoài quận Hoàn Kiếm, mức phí sẽ dao động từ 10.000 đến 60.000 đồng/m2/tháng.

Nếu sử dụng tạm thời bến, bãi (đất công) để trông giữ phương tiện giao thông hay với công ty khai thác điểm đỗ xe, mức phí sẽ thu tương ứng với các tuyến đường, phố nhân với hệ số 0,6 và nộp vào ngân sách nhà nước mức phí bằng 3% trên doanh thu phục vụ tạm dừng, đỗ và trông xe. Đối với các cá nhân sử dụng hè, lề, lòng đường bến bãi để trông, giữ xe đạp, xe máy, mức phí cũng được quy định tùy theo từng quận, huyện, thị xã, dao động từ 20.000 đến 45.000 đồng/m2/tháng. Các tổ chức, cá nhân sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh chịu mức phí từ 20.000 đến 45.000 đồng/m2/ tháng tùy theo các tuyến phố và khu vực nội, ngoại thành. Nếu sử dụng vào việc trung chuyển vật liệu xây dựng và cắm biển quảng cáo, mức phí sẽ là 50.000 đồng/ m2/tháng. Riêng việc sử dụng bến, bãi làm bến đò, mức phí tối đa là 100 triệu đồng/năm/đầu bến. Phí sử dụng mặt nước hồ do Nhà nước quản lý để kinh doanh tại các quận là 40.000 đồng/m2/ tháng và thuộc các huyện là 25.000 đồng/ m2/tháng…

Tại Tờ trình gửi HĐND thành phố về việc quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn, UBND thành phố nêu rõ, căn cứ theo các quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư số 02/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, HĐND cấp tỉnh, thành phố có thẩm quyền quy định đối với 25 khoản phí và 16 khoản lệ phí. UBND TP Hà Nội đã đề xuất không thay đổi mức thu, chỉ điều chỉnh nội dung thu, tên phí với phí sử dụng hè, lề đường, bến, bãi, mặt nước. Theo UBND thành phố, nếu tiếp tục điều chỉnh tăng phí sử dụng hè, lề đường vào thời điểm này sẽ dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân tùy tiện tăng mức thu phí trông giữ xe dẫn đến vi phạm về mức thu phí, gây bức xúc trong xã hội.

Quản lý chặt chẽ, tránh thất thu

Chỉ còn ít ngày nữa, các quyết định mới về việc thu phí, lệ phí của UBND TP Hà Nội sẽ có hiệu lực. Trong các quyết định này, việc thu phí hè, lòng, lề đường thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Bác Nguyễn Thị Vân Khanh, một người dân ở quận Hoàn Kiếm cho biết, tán thành việc thu phí hè, lòng, lề đường của UBND thành phố. Bởi trên thực tế, các khu phố cổ của Hà Nội luôn trong tình cảnh "đất chật, người quá... đông". Nếu không có cơ quan quản lý chặt chẽ, tại các khu phố cổ sẽ xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán kinh doanh gây mất an toàn giao thông và an ninh trật tự. Như vậy, người dân sinh sống ở phố cổ đặc biệt là những nhà mặt phố sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng việc quản lý nguồn thu phí sao cho chặt chẽ, tránh thất thu mới là vấn đề người dân quan tâm. Bởi nguồn tiền này nếu được sử dụng đúng mục đích sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cả thành phố.

Đồng ý việc thu phí để quản lý trật tự, an ninh các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội tốt hơn song bác Nguyễn Thị Nhàn, một người dân sống tại quận Đống Đa lại cho rằng, nên rà soát, quy hoạch lại những điểm dừng đỗ xe trên địa bàn thành phố. Bởi trên thực tế, nhiều khu phố tại Hà Nội có hoạt động kinh doanh rất sầm uất, thu hút rất đông khách mua hàng và du lịch. Mật độ dân số tại những khu vực này cũng rất lớn, song một số nơi vẫn được tận dụng để khai thác điểm đỗ. Việc làm này sẽ khiến giao thông nội đô khó khăn hơn cũng như khiến bộ mặt đô thị không được gọn gàng, ngăn nắp. Thay vì khai thác vỉa hè, lòng đường, nên tính đến phương án quy hoạch các điểm đỗ xe hiện đại, văn minh, xứng tầm với vị thế của Thủ đô.

Một số loại phí, lệ phí có hiệu lực từ ngày 30-8

1. Phí sử dụng đường bộ với xe máy: Loại có dung tích xy lanh đến 100cm3: 50.000, loại có dung tích xy lanh trên 100cm3: 100.000;

2. Phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, xe đạp điện: Phí trông xe đạp (xe đạp và xe máy điện) ban ngày: 2.000, phí trông xe đạp (xe đạp và xe máy điện) ban đêm: 3.000, phí trông xe máy ban ngày: 3.000, phí trông xe máy ban đêm: 5.000;

3. Phí cấp phép xây dựng: Cấp mới với nhà ở riêng lẻ: 75.000, cấp mới với công trình khác: 150.000, gia hạn giấy phép xây dựng: 15.000;

4. Phí vệ sinh với chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân: Cá nhân cư trú ở các phường: 6.000, cá nhân cư trú ở xã, thị trấn: 3.000;

5. Lệ phí trước bạ lần đầu với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi: 12%;

6. Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vận tải: Cấp mới: 200.000, cấp đổi, cấp lại: 50.000.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm trật tự đô thị và đời sống người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.