Theo dõi Báo Hànộimới trên

PCCC tại thành phố Hồ Chí Minh: Diễn tập thôi chưa đủ

Ngọc Uyên - Thọ Sơn| 20/09/2014 06:44

(HNM) - Liên tiếp những ngày qua, không chỉ những vụ cháy ở địa bàn, ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, lực lượng PCCC chuyên nghiệp của TP Hồ Chí Minh đều ứng cứu. Thế nhưng kết cục ra sao?


Liên tiếp những ngày qua, không chỉ những vụ cháy ở địa bàn, ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, lực lượng PCCC chuyên nghiệp của TP Hồ Chí Minh đều ứng cứu. Thế nhưng kết cục ra sao?

Vụ cháy tại Công ty TNHH Sakata, Inx Việt Nam tại Bình Dương.


Mới nhất là vụ ngày 18-9 tại Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam, dù hàng chục xe cứu hỏa cùng hơn 200 Cảnh sát PCCC của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương có mặt kịp thời, nhưng đám cháy vẫn phừng phừng gần 10 giờ đồng hồ. Và khi ngọn lửa được dập tắt thì hơn 2.000m2 nhà xưởng cùng hàng trăm tấn hóa chất, dung môi đã ra tro. Trước đó, ngày 16-9, ngay khi hay tin cháy tại cửa hàng kinh doanh nguyên vật liệu ngành tóc đường Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5, TP Hồ Chí Minh), Cảnh sát PCCC thành phố đã điều động lực lượng, phương tiện của 2 quận và Phòng Cứu nạn cứu hộ đến chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Do tính chất nghiêm trọng của vụ cháy, đích thân ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND thành phố và Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC "trực chiến" tại hiện trường. Chỉ hơn 1 giờ đồng hồ có lực lượng chuyên nghiệp, đám cháy được dập tắt, nhà dân liền kề không bị đám cháy lan sang. Tuy nhiên kết cục lại bi thảm, như lời Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố thốt lên: "Đám cháy không lớn nhưng đã có 7 người trong một gia đình bị ngạt khói mà tử nạn".

Nhìn vào báo cáo tình hình cháy nổ trên địa bàn của ngành chức năng từ đầu năm đến nay, không khỏi xót xa khi cháy xảy ra liên tục và trong hàng trăm vụ cháy có gần 50% là cháy nhà dân, ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, đa phần, nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy được xác định do lỗi chủ quan. Các vi phạm quy định về an toàn PCCC trong sinh hoạt và quá trình sản xuất của người dân và doanh nghiệp mà nhiều nhất là trong việc sử dụng điện, đã dẫn đến những hậu quả không ngờ.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, sự xuất hiện của nhiều khu dân cư được xây dựng tự phát, khu nhà "ổ chuột" và hệ thống đường giao thông nhỏ hẹp, chưa bố trí được các trụ nước để phục vụ cho công tác chữa cháy, nên khi xảy sự cố, xe chuyên dụng không thể áp sát để kịp thời khống chế, dẫn tới những thiệt hại lớn. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ trong các khu dân cư buôn bán các mặt hàng có nguy cơ cháy cao (vải, quần áo, đồ vàng mã, gỗ, hóa chất…) nằm đan xen trong các khu dân cư hoặc những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ không có điều kiện tham gia vào các hoạt động PCCC cũng như việc đầu tư trang bị phương tiện PCCC tại cơ sở, hoặc các thiết bị PCCC không đáp ứng được yêu cầu cần thiết nên cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao.

Kiến thức về PCCC của người dân cũng là một nguyên nhân: Ở vụ cháy cửa hàng kinh doanh nguyên vật liệu ngành tóc làm chết 7 người trong một gia đình, chỉ vì cửa sắt đóng kín nên dù đám cháy nhỏ nhưng lực lượng PCCC tại chỗ không xử lý được phải đợi lực lượng chuyên nghiệp. Ở nhiều vụ cháy khác, theo Sở Cảnh sát PCCC thành phố, đa phần người tử nạn đều do ngạt khói. Có những vụ cháy, người trong tòa nhà nháo nhào dẫm đạp lên nhau hòng thoát thân dẫn tới tắc lối thoát, nghẽn cầu thang…

Theo các chuyên gia, những kiến thức, kỹ năng về PCCC cần được đưa vào nhà trường ngay từ cấp tiểu học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PCCC tại thành phố Hồ Chí Minh: Diễn tập thôi chưa đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.