Theo dõi Báo Hànộimới trên

Qua những vụ cháy nổ tại TP HCM: Quản lý nhà nước bất cập và chồng chéo

Hà Phạm - Tiến Thành| 23/10/2014 05:59

(HNM) - Theo báo cáo của lực lượng công an tại cuộc họp với UBND TP Hồ Chí Minh ngày 22-10 thì thành phố hiện có khoảng 139 cơ sở kinh doanh hóa chất nằm trong khu dân cư, kết hợp kinh doanh và nhà ở.

Hiện trường vụ nổ tại quận 12, TP Hồ Chí Minh.


Trước vụ nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở quận 12, hôm qua UBND thành phố đã có buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện để bàn các biện pháp chấn chỉnh. Tại cuộc họp, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, chợ hóa chất nổi tiếng thành phố là Kim Biên (quận 5) có 17 cửa hàng bán hóa chất, xung quanh chợ có 31 cửa hàng nhỏ lẻ. Mặc dù các sở, ngành có đặt vấn đề quy hoạch di dời chợ, đề xuất phương án thành lập trung tâm mua bán gần các khu công nghiệp sử dụng hóa chất để sản xuất, đồng thời phải nằm xa các khu dân cư nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. "Số lượng hóa chất tiền thuốc nổ ở chợ Kim Biên dư sức san bằng toàn bộ một quận" - Thiếu tướng Phan Anh Minh cảnh báo. Không chỉ vậy, theo Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 139 cơ sở kinh doanh hóa chất nằm lẫn trong khu dân cư, nhiều nhất là ở quận Thủ Đức với 96 cơ sở, Tân Phú là 26 cơ sở. Các cơ sở đều có giấy phép, các hóa chất không thuộc danh mục cấm nhưng có độ nguy hiểm cao. Trong khi đó, việc mua bán hóa chất tiền thuốc nổ quá dễ dàng; công nhân sản xuất chưa được trang bị kiến thức, thiết bị PCCC thiếu, khi xảy ra cháy không có khả năng chữa cháy; người đứng đầu DN sản xuất, kinh doanh và nhân viên không được tập huấn; không có biển cảnh báo nguy hiểm; không xây dựng các kịch bản ứng phó khi xảy ra sự cố cháy nổ về hóa chất. Theo thống kê của Cảnh sát PCCC, từ đầu năm tới nay, thành phố đã xảy ra 4 vụ cháy nổ liên quan đến hóa chất, làm chết 7 người, bị thương 6 người, trong đó có 2 vụ do người dân mua bán trái phép hóa chất từ chợ Kim Biên về chế thuốc nổ. Từ năm 2013 đến nay thành phố chưa khởi tố được vụ việc nào về kinh doanh hóa chất, bởi đa phần khi bị xử phạt các DN đã chủ động khắc phục.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, quy định về quản lý nhà nước trong việc kinh doanh, cất giữ và sử dụng hóa chất hiện nay rất chồng chéo. Cụ thể, kinh doanh hóa chất được quy định bởi Luật Hóa chất nhưng lại bị chi phối bởi những văn bản như: Luật Phòng chống ma túy, Pháp lệnh PCCC, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Quản lý vũ khí vật liệu nổ… Bên cạnh đó, hóa chất chủ yếu do ngành công thương quản lý nhưng một số trường hợp hóa chất làm phân bón lại được Sở NN&PTNT quản lý (Công ty TNHH Đặng Huỳnh là ví dụ). Mặt khác, nhóm hóa chất tiền chất ma túy được sử dụng sản xuất tân dược do Sở Y tế quản lý, nhưng trong nghiên cứu khoa học lại do ngành công an đảm đương. Điển hình nhất cho sự chồng chéo này là loại hóa chất thực phẩm đang do 3 cơ quan nhà nước quản lý là Y tế, Công thương và NN&PTNT.

Chính bởi sự chồng chéo trên nên ngay cả ngành công an cũng khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử, Công ty Đặng Huỳnh (nơi xảy ra vụ nổ) do Sở NN&PTNT quản lý nên chính quyền và công an không thể lập biên bản xử phạt. Trong khi đó, các sở, ngành liên quan lại rất thiếu trách nhiệm trong quản lý. Điều này thể hiện rõ trong cuộc họp, khi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã nêu những câu hỏi rất cụ thể: Sở Công thương đã quản lý chặt chưa hay chỉ đến dòm ngó chút xíu? Sở NN&PTNT được giao nhiệm vụ mà không nắm được thì ai nắm được? Các cơ quan chức năng đã quản lý hoạt động của Công ty Đặng Huỳnh như thế nào?...

Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân khẳng định, để việc ngăn ngừa cháy nổ hóa chất được hiệu quả, các quận, huyện, phường, xã có vai trò quyết định; lãnh đạo ở địa phương là những người gần dân nhất, hiểu địa bàn nhất, phải theo dõi chặt chẽ số lượng cơ sở hoạt động, kịp thời xử lý ngay các vi phạm, nếu vi phạm đó vượt thẩm quyền cần báo ngay cho cơ quan cấp trên. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, sở, ngành liên quan và các quận, huyện khắc phục ngay các tồn tại, không để cháy nổ do hóa chất tiếp tục xảy ra.

Liên quan vụ nổ tại chi nhánh Công ty Đặng Huỳnh, ông Nguyễn Toàn Thắng, Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, hiện 3 người bị thương đã xuất viện, còn 2 mẹ con đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sức khỏe tiến triển tốt. UBND quận 12 đã mời 12 hộ dân có nhà sập và hư hỏng hoàn toàn lên hỗ trợ kinh phí thuê nhà tạm; phối hợp với Công an thành phố yêu cầu Trung tâm Giám định và Sở Xây dựng giám định luôn giá trị thiệt hại làm cơ sở giải quyết cho 86/150 hộ dân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qua những vụ cháy nổ tại TP HCM: Quản lý nhà nước bất cập và chồng chéo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.