Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cơ chế ràng buộc trách nhiệm

Hà Phong| 21/11/2014 06:29

(HNM) - Khảo sát về thực trạng hoạt động phân tích chính sách trong quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) thực hiện đã đưa ra thông tin: Đối với những luật tác động trực tiếp tới người dân thì việc lấy ý kiến chủ yếu thông qua hội thảo. Vì kinh phí ít nên số buổi hội thảo cũng ít và số người tham gia cũng ít, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng văn bản.

Thu thập ý kiến: Hình thức

Nghiên cứu được Viện Khoa học pháp lý thực hiện từ tháng 11-2013 đến 9-2014 với 4 dự án luật (Luật Thuế Bảo vệ môi trường năm 2010, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Sau khi nắm quy trình chuẩn bị của các bộ, ngành, một số thành viên trong đoàn không khỏi ngạc nhiên vì việc thu thập ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động "có vấn đề". Theo TS Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, cả 4 dự luật trên đều tiến hành tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, song chủ yếu là thông qua tọa đàm, hội thảo, rất ít thấy bóng dáng người dân. Kinh phí ít nên số buổi hội thảo cũng khiêm tốn.

Hình thức lấy ý kiến không phong phú, đối tượng được mời lấy ý kiến hẹp nên thực tế cho thấy, các thẩm định, thẩm tra chỉ khẳng định chung chung về tính khả thi của dự án luật mà không đưa ra được bằng chứng, dữ liệu cụ thể minh chứng cho nhận định, đánh giá. Có chính sách tuy đã được thông qua nhưng tính khả thi trong thực tiễn rất thấp, thậm chí là không có. Minh chứng cụ thể là Luật An toàn thực phẩm, việc quy định phân công quản lý nhà nước với ba bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương vẫn còn chồng chéo, bất hợp lý. Chính vì vậy, đến nay sau nhiều năm luật có hiệu lực thi hành, song việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc đơn giản thủ tục để giải quyết một số loại tranh chấp về tiêu dùng là điều lâu nay các "thượng đế" vẫn mong chờ nhưng quy định này vẫn nằm trên giấy…

Ban hành văn bản sai: Bồi thường

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định, còn nhiều trường hợp tham mưu và ban hành thể chế sai, gây hậu quả các mức khác nhau trong xã hội do khâu chuẩn bị có "điểm nghẽn" như trên. Văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại sai luật thường phạm vào một trong 5 "lỗi" cơ bản là: Sai về căn cứ ban hành văn bản; sai về thẩm quyền ban hành văn bản; sai tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản; sai về thể thức, kỹ thuật trình bày; sai về thủ tục xây dựng, ban hành, đăng công báo. Có những văn bản mắc hai "lỗi".

Gần đây nhất, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã yêu cầu Bộ Y tế xem xét lại Thông tư số 19 quy định quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc ban hành ngày 2-6-2014. Theo TS Lê Hồng Sơn, trong văn bản trên, Bộ Y tế đã tự ý làm thay Chính phủ trong công tác quản lý thuốc. TS Lê Hồng Sơn phân tích, ở khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 19 quy định, trước ngày 30-11 hằng năm, các cơ sở có nhu cầu sản xuất, xuất, nhập khẩu thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc gửi văn bản đề nghị về Cục Quản lý dược. Cục Quản lý dược căn cứ tình hình thực tế để ban hành sửa đổi, bổ sung danh sách các cơ sở được phép sản xuất, các doanh nghiệp được phép xuất khẩu, nhập khẩu các loại thuốc trên. Đối chiếu các quy định tại Luật Dược, Nghị định số 79/2006, ngày 9-8-2006 của Chính phủ, việc kinh doanh thuốc "là hoạt động kinh doanh có điều kiện và Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc"... Do đó, việc Bộ Y tế ban hành danh sách là không có cơ sở, không đúng thẩm quyền mà Quốc hội, Chính phủ quy định, có thể làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tạo cơ chế xin - cho, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Để hạn chế tình trạng văn bản kém chất lượng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sẽ nâng cao chất lượng cán bộ để đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm tra văn bản. TS Lê Hồng Sơn cũng khẳng định, các quan hệ xã hội phát triển rất nhanh, ngày càng đa dạng, phức tạp nên việc phát hiện, nắm được vấn đề, xác định được nhu cầu ban hành thể chế để ban hành, điều chỉnh hoàn toàn không dễ. Để tránh sự đã rồi, điều quan trọng nhất là những người làm công tác xây dựng văn bản phải theo sát dư luận, phản biện xã hội về tình hình xung quanh hoạt động ban hành, thực thi văn bản với thái độ cầu thị, không vì lợi ích ngành. Việc bồi thường thiệt hại cũng là vấn đề cần đặt ra. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành không xác lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai trái cũng là một trong những lý do để việc ban hành văn bản chưa đạt chuẩn dễ xảy ra, gây hậu quả không tốt cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế ràng buộc trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.