Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một số khoản thu phải được làm rõ

Bài, ảnh: THIÊN MỸ| 23/05/2015 07:22

(HNM) - Việc xét giao đất làm nhà ở nông thôn (gọi tắt là giao đất giãn dân) tại xã Liên Ninh (Thanh Trì) được triển khai từ năm 2009. Sau 3 lần nộp tiền, đến nay các hộ dân mới được nhận đất. Tuy nhiên, để được nhận đất, các hộ sẽ còn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nhưng nhiều hộ đang lo không biết phải

Đường bê tông mới được xây dựng tại điểm giãn dân ở thôn Phương Nhị.



Thu tiền không chứng từ

Năm 2009, căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện giao đất giãn dân, các thôn của xã Liên Ninh đã triển khai bình xét. Kết quả, 19 hộ dân ở các thôn: Phương Nhị, Nhị Châu, Thọ Am, Yên Phú được UBND xã Liên Ninh công nhận đủ điều kiện giao đất. Để có cơ sở hạ tầng giao đất cho người dân, UBND xã Liên Ninh là đơn vị làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do không đủ điều kiện thực hiện nên lãnh đạo xã Liên Ninh giới thiệu với các hộ dân một doanh nghiệp thay mặt UBND xã và các hộ dân để làm công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Các hộ dân đã trực tiếp ký hợp đồng với Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế khảo sát và đo đạc (gọi tắt là Công ty Tư vấn). Theo đó, Công ty Tư vấn sẽ làm các công việc liên quan đến GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng như: Thực hiện đo đạc bản đồ, thẩm định bản đồ, xác định chỉ giới đường đỏ, phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng, lập phương án GPMB…

Theo phản ánh của người dân, trong quá trình thực hiện GPMB, từ năm 2010 đến 2014, các hộ dân đã 3 lần nộp tiền cho Công ty Tư vấn, trong đó nhiều lần có sự chứng kiến của cán bộ địa chính xã Liên Ninh. Song đáng nói là một số khoản tiền khi người dân nộp đã không được Công ty Tư vấn ghi hóa đơn, chứng từ với lý do tế nhị để "liên hệ công việc". Trong đó có một lần các hộ phải nộp 7 triệu đồng cho người đại diện các hộ được giao đất giãn dân để "lo việc"? Đến cuối năm 2010, tại UBND xã Liên Ninh, Công ty Tư vấn và anh Lê Xuân Thanh cán bộ địa chính xã Liên Ninh đã tổ chức thu tiền làm hạ tầng của 19 hộ dân, nhưng số tiền này cũng không được viết hóa đơn, cho dù các hộ phải nộp từ 76 triệu đến 200 triệu đồng/hộ. Từ đó đến hết năm 2014, sau rất nhiều lần có ý kiến, đề nghị với cơ quan chức năng về việc đẩy nhanh tiến độ giao đất cho các hộ dân, đến tháng 4-2015 các hộ mới được gắp thăm, chia lô… Giải thích về việc chậm giao đất, Chủ tịch UBND xã Liên Ninh Nguyễn Văn Ảnh cho biết: Trong quá trình xét duyệt đất giãn dân, do chính sách thay đổi nhiều, phải chờ văn bản hướng dẫn của các cấp nên mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó còn phải giải quyết một số đơn thư của người dân liên quan đến xét duyệt đất giãn dân…

Phải xem xét lại những khoản thu

Giải thích về việc các hộ dân phải nộp tiền cho Công ty Tư vấn, ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tư vấn cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, Công ty đã thu của 19 hộ dân tổng số tiền khoảng 4 tỷ đồng. Với số tiền ấy, Công ty đã chi phí cho việc thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao đất làm nhà ở cho 19 hộ dân trên diện tích gần 4.000m2. Trong một số lần họp, đối thoại với những hộ được giao đất, Công ty đã giải trình đầy đủ các khoản chi và số liệu hoàn toàn khớp với số tiền đã thu của người dân. Việc người dân không được ghi hóa đơn, chứng từ khi nộp tiền làm cơ sở hạ tầng chúng tôi sẽ kiểm tra lại nhân viên thu tiền của Công ty… Còn số tiền 7 triệu đồng/hộ mà người dân nộp cho người đại diện các hộ được giao đất, Công ty không biết và qua những cuộc họp gần đây, người đại diện này cũng thừa nhận vẫn đang giữ số tiền trên (tính đến cuối tháng 4-2015).

Để được giao đất, từ năm 2010 các hộ dân đã phải nộp một số khoản tiền nhưng đến ngày 26-6-2014, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì mới "chốt" danh sách 18 hộ dân đủ điều kiện giao đất, còn một hộ bị loại vì không đủ điều kiện cho dù gia đình này cũng đã nộp đủ tiền như các hộ còn lại. Giải thích về việc người dân phải nộp các khoản tiền làm hạ tầng trước khi được duyệt danh sách giao đất, Chủ tịch UBND xã Liên Ninh Nguyễn Văn Ảnh cho biết: Chi phí làm hạ tầng đất giãn dân không được dùng ngân sách nhà nước, nên người dân phải tự chi trả, nếu không tạm ứng trước thì không có nguồn để trang trải. Số tiền người dân nộp cho Công ty Tư vấn là mối quan hệ dân sự giữa người dân với Công ty Tư vấn khi ký hợp đồng thực hiện dịch vụ, UBND xã không thu một khoản nào. Vừa qua, hạ tầng giao đất giãn dân đã được UBND huyện Thanh Trì nghiệm thu và đã tổ chức cho các hộ gắp thăm đất. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao UBND xã và Công ty Tư vấn chưa yêu cầu người đã nhận của mỗi hộ 7 triệu đồng trả tiền cho các hộ thì đại diện lãnh đạo xã cho hay: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ họp các hộ được giao đất và sẽ yêu cầu người nhận số tiền này phải trả lại cho các hộ…

Theo thông báo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì thì khi người dân được bàn giao đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Song hiện nay, nhiều người đang rất lo khi sẽ phải mất thêm một khoản tiền nữa mới được nhận đất. Một số người dân lo lắng số tiền nộp cho Công ty Tư vấn liệu có được khấu trừ vào tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi nhận đất hay không?

Những thắc mắc của người dân nêu trên có thể bắt nguồn từ việc chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng về nghĩa vụ, trách nhiệm của người được giao đất và chính quyền sở tại trong quá trình triển khai làm hạ tầng, thực hiện hồ sơ, thủ tục xét giao đất giãn dân. Do đó, mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau, thiếu sự thống nhất (ngày 14-3-2015, Báo Hànộimới cũng đã phản ánh những tồn tại liên quan đến xét giao đất giãn dân ở xã Tả Thanh Oai với tiêu đề: Giao đất giãn dân tại Tả Thanh Oai (Thanh Trì): Tiền, hậu bất nhất). Đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại những khoản thu của Công ty Tư vấn, có hay không người được xét giao đất phải nộp tiền để "liên hệ công việc" như phản ánh của người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số khoản thu phải được làm rõ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.