Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp dụng cơ chế giá dịch vụ đối với học phí, viện phí

Vân An| 26/05/2015 10:22

(HNMO) – Dự án Luật phí và lệ phí được trình Quốc hội sáng nay (26/5) gồm 6 chương, 23 điều, đưa ra khỏi danh mục hiện có hàng chục khoản không còn phù hợp.


Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình dự án luật lên Quốc hội. Bộ trưởng cho biết, Pháp lệnh Phí và lệ phí được ban hành ngày 28/8/2001, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2002. Qua 13 năm thực hiện, Pháp lệnh đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng nhằm tăng cường quản lý thu, sử dụng hiệu quả các khoản thu phí và lệ phí, đồng thời góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, qua tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Phí và lệ phí là các khoản thu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân nên cần thiết phải ban hành Luật Phí và lệ phí để phù hợp với Hiến pháp năm 2013; Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, một số khoản phí đã chuyển sang cơ chế giá dịch vụ; một số khoản phí có tên trong Danh mục nhưng chưa phát sinh; một số loại phí, lệ phí cần được bãi bỏ để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện thu, chi phí và lệ phí; Chế độ quản lý thu, nộp, sử dụng các khoản phí, lệ phí hiện hành thiếu thống nhất, nhiều khoản thu, chi từ phí, lệ phí chưa đúng các quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng lạm thu hoặc bỏ sót nguồn thu, sử dụng lãng phí, thiếu minh bạch, công khai, công bằng và hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua dự án Luật phí và lệ phí với 6 chương, 23 điều, chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện, không điều chỉnh đối với các khoản phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện.

Kèm theo dự thảo luật, Chính phủ cũng trình Danh mục phí, lệ phí bao gồm 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí.

Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi danh mục phí hiện hành 18 khoản, trong đó có một số khoản phí đáng chú ý như phí niêm phong, kẹp chì hải quan; phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa, phí đấu thầu, học phí, viện phí, phí kiểm định đo lường chất lượng... Đồng thời, bổ sung 15 khoản phí đã được quy định tại các Luật chuyên ngành, như phí bay qua vùng trời, phí công chứng, phí sử dụng kho số viễn thông...

Sẽ có 12 khoản lệ phí được đưa ra khỏi danh mục, gồm 8 khoản lệ phí đã được quy định trong danh mục lệ phí nhưng đến nay chưa thu, dừng thu; 4 khoản lệ phí bãi bỏ để cải cách thủ tục hành chính và bổ sung thêm 9 khoản lệ phí đã được quy định tại các Luật chuyên ngành.


Chính phủ khẳng định, việc bỏ một số loại phí, lệ phí ra khỏi luật sẽ phản ánh đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí vào ngân sách Nhà nước, đảm bảo minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí. Đồng thời nhằm thu hút các nguồn lực cho phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Làm rõ lộ trình chuyển học phí, viện phí sang giá dịch vụ

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành và các nội dung trong dự án Luật phí và lệ phí.

Về Danh mục phí, lệ phí, Ủy ban cơ bản nhất trí việc bãi bỏ, chuyển sang cơ chế giá và bổ sung một số khoản phí, lệ phí như Tờ trình. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế và làm việc với các bộ, ngành cho thấy, Danh mục phí, lệ phí quy định trong Dự thảo Luật chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; chưa rõ về tên gọi với nội hàm của một số loại phí, lệ phí.

Vì vậy, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính cụ thể và nhằm tránh tình trạng phụ thu, lạm bổ tạo gánh nặng đóng góp cho người dân, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, phân loại theo nhóm ngành cụ thể, đồng thời bổ sung điều, khoản giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình và báo cáo Quốc hội.

Đối với viện phí, học phí, Ủy ban nhất trí chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí để thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ, các khoản thu này đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá. Theo đó, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ.

Tuy nhiên, đây là các lĩnh vực tác động mạnh đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư, do vậy, Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội về lộ trình, cơ chế quản lý và tác động xã hội đối với nội dung này.

Ủy ban cũng nhất trí chuyển Thuế môn bài là khoản Lệ phí và quy định khoản thu Lệ phí trước bạ trong Danh mục lệ phí như Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế thu Lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy được quy định mức thu theo tỷ lệ khác nhau giữa các địa phương, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu, chưa bình đẳng về nghĩa vụ của công dân trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị cần quy định tỷ lệ thu về một mức đối với từng loại tài sản để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng cơ chế giá dịch vụ đối với học phí, viện phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.