Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm không thể đứng ngoài cuộc

Lâm Vũ| 02/08/2015 08:21

(HNM) - Trong những ngày mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều địa phương, trên nhiều diễn đàn, câu chuyện về việc hàng nghìn du khách bị mắc kẹt ở đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã khiến dư luận lo lắng.


Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, người dân, du khách đã được hỗ trợ ở mức tốt nhất. Tuy nhiên, một vấn đề mà rất nhiều du khách quan tâm là họ đã không nhận được sự hỗ trợ nào từ dịch vụ bảo hiểm.

1. Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Lữ hành Five Stars Travel cho biết, trung bình mỗi tháng, công ty đưa khoảng 50 khách ra đảo Cô Tô. Khi xảy ra tình huống thời tiết xấu và du khách buộc phải ở lại đảo như vừa qua, công ty đã đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú, thậm chí cả nhà dân để hỗ trợ cho du khách có chỗ ăn, chỗ nghỉ phù hợp, với chi phí thấp nhất. Công ty cũng tìm mọi cách liên hệ với chính quyền địa phương và các bên liên quan, đặc biệt là công ty vận chuyển để đưa du khách về đất liền sớm nhất.

Những du khách cập bến.


Bên cạnh đó, công ty trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ du khách giảm thiểu chi phí phát sinh trong trường hợp bất khả kháng này. Ông Lương Duy Doanh cũng cho biết thêm, bảo hiểm mà công ty du lịch mua cho du khách chỉ bồi thường khi du khách đi du lịch bị thương tích, tai nạn, còn khi thiên tai, mưa bão xảy ra như ở Cô Tô vừa qua là ngoài ý muốn, bảo hiểm không giải quyết, trong khung bảo hiểm cũng không thấy có mục chi trả cho khách hàng gặp rủi ro do thiên tai khi đi du lịch. "Trong hợp đồng ký giữa du khách và công ty du lịch có ghi: Trong trường hợp bất khả kháng xảy ra thì hai bên cùng chia sẻ tổn thất. Lý thuyết là vậy, nhưng trong mọi hoàn cảnh bao giờ công ty du lịch cũng phải bảo đảm quyền lợi cho du khách.

Trong trận mưa bão vừa rồi, du khách phải ở lại Cô Tô tới 5 ngày, dù đã được chính quyền địa phương, các nhà hàng, khách sạn hỗ trợ bằng cách giảm giá phòng, thậm chí cho du khách ăn, ở miễn phí tới khi thời tiết thuận lợi, có thể về đất liền, nhưng chi phí phát sinh của du khách vẫn không nhỏ. Chính vì vậy, nếu được bảo hiểm chia sẻ thì công ty lữ hành, khách du lịch sẽ yên tâm hơn rất nhiều", ông Lương Duy Doanh nói.

Chiều 1-8, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô cho biết: Có tổng số 3.690 khách du lịch bị kẹt lại đảo Cô Tô trong những ngày mưa bão vừa qua, cao hơn so với ước tính ban đầu là 1.500 khách.

Đến 16h30 ngày 1-8, vị khách cuối cùng đã lên tàu rời đảo an toàn. Từ ngày 29-7 đến 1-8, tàu hải quân đã đưa được khoảng 1.600 khách về đất liền.



Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Lữ hành Golden Tour cũng cho biết: Các công ty bảo hiểm ở Việt Nam thường rất dè dặt trong việc thực hiện bảo hiểm cho các đoàn khách du lịch nội địa, hiện nay chỉ khi đi du lịch nước ngoài mới có bảo hiểm về rủi ro do thiên tai. "Chúng tôi đã nhiều lần đề đạt ý kiến lên Tổng cục Du lịch để làm việc với các công ty bảo hiểm nhưng chưa có kết quả. Nguyên do là các công ty bảo hiểm ở Việt Nam không mặn mà với bảo hiểm về rủi ro do thiên tai trong nước. Theo họ giải thích là lợi nhuận của loại hình bảo hiểm này thấp và cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam chưa bảo đảm, nhiều rủi ro. Hiện nay, bảo hiểm thường do các bên thỏa thuận (công ty vận chuyển, nhà hàng, khách sạn...) trên cơ sở các bên đều có lợi. Vì vậy, dù các công ty lữ hành sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua bảo hiểm cho các trường hợp rủi ro do thiên tai, hủy, hoãn chuyến bay... nhưng các công ty bảo hiểm lại không bán những loại hình bảo hiểm đó", ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

2. Theo các chuyên gia, đối với khách đi du lịch tự túc thì việc đầu tiên phải trang bị cho mình số điện thoại liên hệ của chính quyền địa phương nơi mình đến và các cơ quan hỗ trợ du khách tại đây. Ngoài ra, còn phải nắm vững những thông tin về vị trí địa lý, đặc điểm thời tiết, khí hậu, giờ khởi hành của các phương tiện giao thông như tàu thuyền, ô tô. Bởi lẽ, đơn cử như nếu du khách đi Quan Lạn hay Cát Bà thì dù sóng to hay bão, phà vẫn đi được, nhưng với Cô Tô, chỉ cần sóng to, tàu thuyền sẽ không được phép di chuyển. Với những du khách đi theo tour, hướng dẫn viên sẽ hỗ trợ du khách những thông tin trên. Du khách cũng nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và kỹ năng thích nghi trong điều kiện khắc nghiệt, thiên tai. Khi đi du lịch theo tour cũng như đi tự túc, du khách luôn luôn phải có một quỹ tài chính dự phòng nhất định.

Hành khách trên tàu hải quân từ đảo Cô Tô (Quảng Ninh) về đất liền.


Tất nhiên, khi đi du lịch, du khách mong muốn được khám phá cái mới, cái lạ cũng như được thư giãn thoải mái, nhưng cũng phải tính đến khả năng có thể gặp rủi ro dẫn đến việc đi lại vất vả, sinh hoạt cá nhân không được như ý muốn. Chẳng hạn như ở Cô Tô những ngày vừa qua, du khách dù có nhiều tiền cũng không mua được thực phẩm mình muốn do nơi đây là đảo, biệt lập, thực phẩm phải vận chuyển từ đất liền ra. "Khách du lịch nên thông cảm và chia sẻ với công ty lữ hành. Khi không may xảy ra rủi ro do thiên tai, cả du khách và công ty du lịch đều mệt mỏi và căng thẳng. Chính vì vậy, hai bên nên ngồi với nhau để cùng khắc phục sự cố một cách tốt nhất trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau", ông Lê Minh Tú, Phó Giám đốc Lạc Hồng Travel chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm không thể đứng ngoài cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.