Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nhân với những thách thức từ TPP

Minh Bắc| 13/10/2015 10:44

(HNMO) - Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay diễn ra đúng sau ngày 12 nước tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Niềm vui này vừa đưa ra những cơ hội đồng thời với những thách thức cho các doanh nhân Việt Nam trong “cuộc chơi” với nhiều điều khoản mới…

Nguồn ảnh: ngayle.com



Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nên kinh tế thế giới nhưng đây là lần đầu tiên nằm vào những nước khai sinh ra "cuộc chơi" mới. Chắc chắn điều này sẽ đặt ra cho các doanh nhân Việt Nam nhiều vấn đề mới hơn buộc họ phải thể hiện phẩm chất của mình ngay trong "cuộc chơi" đầy thú vị mà cũng đầy thách thức này.

Chia sẻ về vấn đề này trong “Ngày hội Doanh nhân, Doanh nghiệp toàn quốc năm 2015” vừa diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 12/10/2015, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói, đây là "cuộc chơi" hay nhưng Nhà nước cần cải cách thủ tục hành chính để cho các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi thực hiện các quy định của Hiệp định. Hy vọng, Nghị quyết 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015-2016, sẽ giúp môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam được cải thiện và phát triển mạnh mẽ hơn.

Quả thật, TPP là một Hiệp định đa phương gồm 12 nước, trong đó có những đối tác thương mại có nền kinh tế xếp thứ nhất và thứ ba thế giới như Hoa Kỳ, Nhật - điều này khiến cho cơ hội cũng được nhân lên rất nhiều lần nhưng thách thức cũng không kém vì Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong các nước tham gia Hiệp định.

Sự tự tin của Việt Nam vào "cuộc chơi" đã thể hiện ở sự chủ động tham gia đàm phán tích cực vào TPP và cũng chứng tỏ lòng tin của Chính phủ vào các doanh nhân Việt Nam. Việc gia nhập TPP đã tạo ra “sân chơi” lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây chính là điều nhiều doanh nghiệp mong mỏi. Tuy nhiên, nhiều doanh nhân cũng không kém phần lo lắng khi còn chưa hiểu biết kỹ, sâu về các điều khoản trong Hiệp định TPP.

Nếu nhìn từ góc độ cam kết của Việt Nam trong mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước TPP, thì các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh rất mạnh đến từ các nước TPP. Vì thế thách thức có thể dễ nhìn thấy đó là việc mất thị trường, mất lợi nhuận, mất doanh thu, thậm chí có thể buộc phải đóng cửa doanh nghiệp...

Những sản phẩm nào sức cạnh tranh yếu, tiêu thụ phần lớn ở trong nước sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Như vậy để có thể cạnh tranh được với hàng hóa từ các nước tham gia TPP, trước tiên các doanh nhân cần tìm hiểu kỹ về TPP để xem lợi ích mà mình tìm kiếm nằm ở đâu, thách thức ở đâu, điều kiện của chúng là gì? Qua đó, xác định xem mình phải chuẩn bị gì để đáp ứng điều kiện hay hóa giải những thách thức nói trên.

Ví dụ, với doanh nghiệp xuất khẩu, sẽ phải xem dòng thuế nào được loại bỏ vào thị trường nào, quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế là gì. Hay các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nội địa, sẽ phải tìm kiếm xem sản phẩm tương tự của mình từ các nước TPP khi nào thì được vào Việt Nam miễn thuế, lộ trình là thế nào để điều chỉnh sản xuất cho hợp lý…

Trong “Ngày hội Doanh nhân, Doanh nghiệp toàn quốc năm 2015”, các doanh nhân đều có chung đề nghị, trên cơ sở Hiệp định TPP, các nhà quản lý Nhà nước cần vào cuộc, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia một cách thuận lợi trong việc thực hiện các quy định của Hiệp định. Đây là công việc không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của các nhà quản lý và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý nhà nước cần vào cuộc, tìm người tài thực hiện bởi không thể kinh doanh bằng cách hô hoán mà cần phải bằng kiến thức. Doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, với tư duy mới; nâng cao năng lực, kiến thức của mình để vượt qua thách thức khi gia nhập TPP…

Phát biểu tại ngày hội, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thay mặt đồng bào cả nước gửi lời chúc mừng và cảm ơn các thế hệ doanh nhân Việt Nam - những người đã góp phần làm nên thành công của 30 năm đổi mới; chúc các doanh nhân bằng ý chí của 1.000 năm lịch sử và thành tựu của 30 năm đổi mới sẽ tiếp tục vững bước đi lên, xây dựng đất nước...

Đồng thời Chủ tịch cũng nêu rõ: Việc Việt Nam vừa tham gia ký kết Hiệp định xuyên Thái Bình Dương đã mở ra cơ hội vô cùng lớn. Dù không thể kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực nhưng ở lĩnh vực nào người Việt Nam làm chủ công nghệ, không thua người nước ngoài, với đặc điểm lao động cần cù, sáng tạo, cơ hội của doanh nhân Việt Nam là rất lớn.

Với tinh thần “thua không sợ, thắng không kiêu”, chắc chắn đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ đưa đất nước đi lên. Theo truyền thống của người Việt Nam, một người đi biển sẽ rất mệt mỏi nhưng nếu có cả đoàn tàu thì sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Khi hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam trước cơ hội tham gia Hiệp định TPP nên hình thành các nhóm; nhất là những doanh nghiệp cùng một ngành hàng nên kết hợp lại với nhau để chia sẻ thông tin, nghiên cứu thị trường…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân với những thách thức từ TPP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.