Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề nghị cắt "nguồn sữa" ngân sách cho các văn phòng thừa phát lại

Ngân Hạ| 20/11/2015 17:55

(HNMO)- Thảo luận ở hội trường về  thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại, nhiều ĐB lên tiếng khá quyết liệt, cho rằng việc cấp ngân sách cho các văn phòng thừa phát lại là phi lý.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu


Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết thừa phát lại là một loại hình dịch vụ pháp lý mới, được QH và Chính phủ triển khai rất thận trọng và có kế hoạch từng bước. Sau khi thí điểm tại TP.HCM, qua sơ kết, tổng kết, đánh giá, QH tiếp tục thực hiện thí điểm thêm ở 12 tỉnh, TP khác. Việc thực hiện thí điểm sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2015 tới.

ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho biết Nghệ An là một trong 12 tỉnh được chọn làm thí điểm và được đánh giá là thực hiện thí điểm tốt vì "biết tiêu tiền". "Một năm giao cho chúng tôi gần một tỷ để phân bổ cho các huyện thì tiêu làm sao cho hết được? Bằng cách mời các anh thừa phát lại đến để làm. Dịch vụ thì rất đắt, tống đạt gửi bưu điện 10.000 đồng là chúng tôi cũng đắn đo, suy nghĩ mới gửi 10.000 đi để tống đạt đảm bảo, nhưng bây giờ theo quy định là 150.000 đồng. Bởi vì thí điểm tiền Nhà nước chuyển về bắt buộc chúng ta phải làm việc đó. Tôi tin chắc rằng hết thí điểm, không có tiền thì tòa lấy đâu mà thuê thừa phát lại, rõ ràng cũng phải tính toán chỗ này" - ĐB Hà nêu.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thẳng thắn cho rằng: "Việc thấy tống đạt các quyết định của Tòa án, của thi hành án là do các cơ quan này tự làm. Bây giờ chúng ta sinh ra thừa phát lại, Nhà nước cấp tiền cho xã hội hóa, đó là một điều hết sức phi lý, không có một đất nước nào thừa tiền để cấp làm việc này.

Vì thực ra làm ở Thành phố Hồ Chí Minh cự ly gần thì tống đạt các quyết định đó rất dễ. Còn ở Lâm Đồng hoặc 300 cây số mà tống đạt thì bao nhiêu tiền. Tôi đồng ý làm thí điểm thừa phát lại, nhưng nhà nước không được bỏ tiền ra. Tôi đề nghị với Chính phủ không cấp tiền. Xã hội hóa thì nhà nước không bỏ tiền. Xã hội hóa mà nhà nước bỏ tiền ra để làm cái này thì rất vô lý".

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)


Đồng tình với quan điểm của ĐB Thuyền, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phân tích: "Nhà nước lại bỏ tiền từ ngân sách ra, vừa đắt đỏ và tốn kém hơn rất nhiều. Như anh Hà nêu (ĐB Phạm Văn Hà -Nghệ An) ví dụ một văn bản gửi chuyển phát nhanh hay gửi thư bảo đảm cũng chỉ hơn 10.000 đồng, trong khi đó chuyển qua thừa phát lại mất 150.000 đồng. Trong lúc chúng ta nói là tiết kiệm cho ngân sách, thắt lưng buộc bụng, nhưng bằng một đề án này đã thể hiện một việc không đúng chủ trương và không giảm được bộ máy". ĐB này cũng cho rằng tống đạt thực chất là bưu điện giá cao.

"Thừa phát lại nên xã hội hóa trong lĩnh vực tư pháp nhằm giảm áp lực của các cơ quan tư pháp là rất tốt. Tuy nhiên, theo ĐB đã xã hội hóa thì không nên sử dụng nhiều ngân sách của Nhà nước. Phải tính toán tiết kiệm ngân sách Nhà nước để phục vụ cho các dịch vụ trong hoạt động tư pháp. Nếu chúng ta xã hội hóa, làm dịch vụ cho các cơ quan tư pháp, nếu so sánh dịch vụ đó cao hơn với các dịch vụ mà bưu điện thực hiện trong thời gian vừa qua thì chúng ta nên tính toán" - ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) cũng cùng chung quan điểm.

ĐB Phạm Xuân Thường nêu, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ sau 8 năm chúng ta thực hiện chế định Thừa phát lại cũng thấy có kết quả rất lớn. Đó là hiệu quả của việc tống đạt các loại giấy tờ và đặc biệt đảm bảo cho cơ quan tòa án, cơ quan thi hành án thực hiện công việc trôi chảy, thuận lợi hơn, rút ngắn được thời gian hơn.

ĐB Phạm Xuân Thường (Nam Định)


"Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và thừa phát lại đang sống chủ yếu bằng việc lập vi bằng và dòng sữa đó chính là nguồn ngân sách mà Nhà nước chúng ta đầu tư ra để cho các văn phòng thừa phát lại hoạt động.

Quan điểm của tôi cho rằng khi chúng ta đã xã hội hóa thì rõ ràng Nhà nước phải giảm đi được biên chế, giảm kinh phí. Ví dụ, thừa phát lại thực hiện nhiệm vụ của Tòa án, của thi hành án, trước đây mỗi một cán bộ thi hành án một năm chi khoảng 120 triệu, tức là mỗi tháng 10 triệu thì bây giờ có hoạt động của thừa phát lại thì chúng ta giảm tiền chi cho hoạt động của Tòa án. 120 triệu trước đây cho 1 biên chế thì bây giờ chúng ta phải giảm được ít nhất 70 triệu - 80 triệu, chúng ta chi cao hơn số này thì cũng không ổn và không phù hợp với xã hội hóa".

Qua phân tích như trên, vị ĐB tỉnh Thái Bình này  đề nghị QH ra Nghị quyết chấm dứt thí điểm về chế định Thừa phát lại để thực hiện đại trà trên phạm vi toàn quốc trên tinh thần các văn phòng thừa phát lại là phải tự lo kinh phí cho mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị cắt "nguồn sữa" ngân sách cho các văn phòng thừa phát lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.