Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm tin của người tiêu dùng và cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng

Quốc Bình| 28/11/2015 08:11

(HNM) - 17h30 ngày 27-11, tại cuộc họp báo thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) - Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ nhận định: Nhiều khả năng GDP đạt mức tăng trưởng cao

Ngân hàng Nhà nước chưa có ý định điều chỉnh lãi suất từ nay đến cuối năm 2015. Ảnh: Quốc Dũng



Theo đánh giá của các thành viên Chính phủ, tháng 11-2015, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,07% so với tháng trước. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 9,4%. Chỉ số này phản ánh niềm tin của người tiêu dùng và cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 cũng tăng 12,9% so với tháng 10-2015 (11 tháng đạt 7,07 triệu lượt khách). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng ước tăng 9,7% - tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ (IIP tăng 10,1%), tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn; một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và giá trị; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn trở ngại; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng từ đầu năm đến nay luôn tăng thấp hơn mức tăng của tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, chỉ đạo về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp, thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Song song với việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch được duyệt, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thủ tướng nêu rõ: "Năm 2016 phải tiếp tục đà cải cách của năm 2015, đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm đầu trong ASEAN". Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, trong cải cách thủ tục hành chính, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phải bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của cộng đồng. "Cái nào cần thì vẫn phải kiểm soát, không được buông lỏng. Không thể vì thuận lợi cho một người, lợi ích của một người mà có hại cho nhiều người" - Thủ tướng nói.

Đề cập sâu các nội dung điều hành vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành trong tháng 12 phải tập trung chỉ đạo thu ngân sách, nhất là khoản nợ đọng 70.000 tỷ đồng tiền thuế; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cuối năm…

Tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chưa có ý định điều chỉnh lãi suất hiện nay vì lạm phát năm 2015 ở mức thấp, nhưng đi kèm với mức tăng trưởng kinh tế khá cao. Nguyên nhân lạm phát thấp chủ yếu do giá hàng hóa thế giới giảm, nhất là giá dầu. Do đó, không thể chủ quan với những biến động về giá dầu có thể xảy ra trong thời gian tới. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm đáng kể so với năm 2014 và đã trở về ngang bằng với thời kỳ kinh tế ổn định những năm 2005-2006. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình để điều hành phù hợp.

Thông tin về lộ trình thực hiện khoán xe công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), trong đó cơ chế quản lý xe ô tô công sẽ tiếp tục được đổi mới, hướng tới quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bắt buộc đối với một số địa bàn, đối tượng có đủ điều kiện nhận khoán mà không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án, lộ trình thực hiện khoán xe công để đưa vào dự luật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Liên quan đến thông tin đang được dư luận quan tâm là quan điểm của Chính phủ trước đề xuất cấm Uber, Grab taxi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, việc thí điểm vẫn tiếp tục theo chỉ đạo của Chính phủ là 2 năm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa. Hiện nay, Bộ GT-VT đang xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Điều chỉnh thời gian đào tạo trình độ đại học

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11-2015, các thành viên Chính phủ đã nhất trí với Tờ trình về hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GD-ĐT. Theo cơ cấu mới, học sinh muốn tham gia thị trường lao động sớm có thể theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp của giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không thay đổi về tên các trình độ và phân tầng giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Nhưng thời gian đào tạo trình độ đại học sẽ được điều chỉnh nhằm giúp cho hệ thống giáo dục đại học và sau đại học tiếp cận với chuẩn mực chung của quốc tế.



(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin của người tiêu dùng và cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.