Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác tư pháp phải đến gần người dân

Hà Phong| 09/01/2016 07:25

(HNM) - Một trong những nội dung trọng yếu được quan tâm là từ ngày 1-1-2016 sẽ có nhiều thay đổi quan trọng trong các thủ tục khai sinh, kết hôn theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, giảm thời gian, giấy tờ cho công dân.

Khai sinh, kết hôn tại nơi tạm trú

Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt vì theo Luật Hộ tịch có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Luật Hộ tịch còn có những quy định đậm chất nhân văn như: Trường hợp trẻ có cha mẹ ốm, khuyết tật, bị tù giam thì cán bộ hộ tịch cấp xã sẽ cấp giấy đăng ký khai sinh lưu động. Tương tự, người chết không có người thân thích, hoặc người thân thích không có điều kiện để khai tử thì được khai tử lưu động. Hai bên nam nữ cùng thường trú địa bàn cấp xã mà ốm, khuyết tật, không tự đi đăng ký kết hôn thì được giải quyết kết hôn lưu động.

Luật Hộ tịch có hiệu lực tạo thuận lợi cho người dân khi khai sinh, khai tử...


Điểm đáng lưu ý nữa, Luật Hộ tịch mới phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, cơ sở với quy định UBND cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Từ đó, tránh tình trạng hồ sơ đăng ký kết hôn nước ngoài dồn hết về Sở Tư pháp gây chậm, ách tắc. Thủ tục đăng ký cũng đã bỏ khâu phỏng vấn khiến thời gian thực hiện chỉ còn khoảng 15 ngày (giảm 1/2 so với trước).

Theo Cục trưởng Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ xem xét, thông qua Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định 123/2015/NĐ-CP) có hiệu lực cùng với Luật Hộ tịch theo hướng tạo thuận lợi cho người dân lên hàng đầu, tiến tới mục tiêu lâu dài là phân cấp triệt để thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho chính quyền cơ sở khi điều kiện cho phép. Với hệ thống công nghệ thông tin và nhân lực hiện nay, những đổi mới trên cơ bản sẽ đáp ứng được.

Riêng việc đăng ký hộ tịch, có thể lúc đầu làm còn lúng túng, chưa đồng bộ được trên toàn quốc. Trước mắt, người dân vẫn cần nộp, xuất trình một số giấy tờ cần thiết để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú, cũng như chứng minh về yêu cầu đăng ký hộ tịch nhưng thủ tục đã được rút ngắn. Khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vận hành thống nhất, người dân chỉ cần xuất trình duy nhất một loại giấy tờ (có số định danh cá nhân) khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính nói chung, đăng ký hộ tịch nói riêng mà không cần phải nộp giấy tờ để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú (bởi khi đó các dữ liệu cá nhân đã được lưu trên hệ thống dữ liệu điện tử).

Khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của công tác tư pháp

Cùng với những nỗ lực để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác triển khai Luật Hộ tịch, toàn ngành tư pháp đã có sự trưởng thành, gắn bó hơn với nhiệm vụ chung của đất nước, phối kết hợp tốt hơn, chủ động hơn với các bộ, ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương. Vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục được khẳng định rõ nét hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, năm 2016, trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thi hành Hiến pháp, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình lập pháp của Quốc hội; đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện các dự án luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân như Luật Về hội; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin... Quá trình triển khai, phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật gắn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần bảo đảm tính khả thi, hợp lý. Có như vậy mới khắc phục tình trạng chính sách, pháp luật được ban hành nhưng chưa đến gần người dân, khó đi vào cuộc sống, phải tạm dừng hoặc sửa đổi sau một thời gian ngắn có hiệu lực đã tồn tại bấy lâu nay.

Đối với thi hành án dân sự, có ý kiến thẳng thắn nhìn nhận công tác này vẫn còn một số tồn tại, bất cập, nhất là vấn đề giải quyết tình trạng án tồn đọng, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa triệt để. Trong khi đó, số lượng việc thi hành án chuyển giao cho các tổ chức thừa phát lại chưa nhiều. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ngành Tư pháp phải chỉ đạo quyết liệt hơn, phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết của Quốc hội, tạo cơ chế phối hợp, hỗ trợ và cạnh tranh lành mạnh để 2 tổ chức công tư thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Có như vậy, người dân mới có cơ sở lựa chọn dịch vụ thi hành án tốt nhất, đáp ứng yêu cầu thực thi các bản án, quyết định của tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác tư pháp phải đến gần người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.