Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa dạng hóa đối tượng tham gia

Bài, ảnh: Nguyễn Lê| 06/05/2016 08:28

(HNM) - Không chỉ phát huy nội lực và công nghệ, TP Hồ Chí Minh khẳng định, sẵn sàng mở ra cơ chế thông thoáng nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước tham gia hỗ trợ xây dựng chính quyền điện tử.

TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm xây dựng một chính quyền phục vụ.


Mới đây, tại buổi tiếp đại diện Công ty Linagora (Pháp), sau khi nghe công ty bày tỏ mong muốn được hợp tác, hỗ trợ TP Hồ Chí Minh xây dựng chính quyền điện tử, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng khẳng định: Thành phố sẵn sàng mở ra cơ chế thông thoáng nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước tham gia hỗ trợ thành phố xây dựng chính quyền điện tử.

Bà Celine Zapolsky, Giám đốc kinh doanh Công ty Linagora kiêm Tổng Giám đốc Linagora Việt Nam cho biết, hiện Linagora đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Công ty Hanel DTT nhằm thực hiện các dự án công nghệ thông tin phục vụ các cơ quan nhà nước tại Việt Nam. Cũng theo bà Celine Zapolsky, TP Hồ Chí Minh có thể tìm hiểu xem xét sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Phát triển Pháp để triển khai các dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử trong thời gian tới. Thông qua quỹ này, Linagora sẽ hỗ trợ các giải pháp công nghệ cho thành phố.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc với Tập đoàn Microsoft, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, giữa TP Hồ Chí Minh và Microsoft có rất nhiều lĩnh vực để đẩy mạnh hợp tác với nhau trong thời gian tới. Trong đó, lĩnh vực có thể hợp tác ngay là xây dựng chính quyền điện tử để người dân thành phố hưởng những dịch vụ tốt nhất từ ứng dụng công nghệ thông tin - sản phẩm mà Microsoft có thế mạnh.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và trong xử lý công việc của người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng. Chính quyền điện tử là hạt nhân của một thành phố thông minh mà TP Hồ Chí Minh đang hướng tới nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền công khai, minh bạch. Tuy nhiên, dù thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư rất lớn về nhân lực, kinh phí để đồng bộ hóa hệ thống văn phòng điện tử, một cửa điện tử nhưng đến thời điểm này vẫn còn nhiều sở, ngành, địa phương chưa triển khai thành công, chưa kết nối vào hệ thống chung.

Muốn xây dựng chính quyền điện tử, TP Hồ Chí Minh phải "phủ sóng" công nghệ thông tin đến tận các vùng sâu, vùng xa, bảo đảm khi xảy ra bất kỳ một vấn đề gì thì có thể họp trực tuyến với người dân tại nơi đó; đối với doanh nghiệp, mọi thủ tục đều được thực hiện qua mạng, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cán bộ, công chức; đối với người dân, mọi thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch.

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh, mục tiêu đến năm 2020, thành phố phấn đấu 100% các văn bản chính thức giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản có nội dung mật) được trao đổi dưới dạng thư điện tử. Và như vậy việc mở cửa cho mọi loại hình và đối tượng doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ thành phố xây dựng chính quyền điện tử là phù hợp và cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hóa đối tượng tham gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.