Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện thực phẩm bẩn: Có quá khó cho người tiêu dùng?

Tiến Thành| 20/05/2016 07:17

(HNM) - Loay hoay một vòng trong chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), bà Lê Thị Yến (50 tuổi) vẫn chưa chọn được thực phẩm nào. Lật từng miếng thịt lợn xem xét, bà Yến lại tạt ngang sang hàng cá ngắm nghía. Bà Yến cho biết, gia đình lâu nay ít ăn thịt vì thấy nạc quá, sợ có sử dụng chất cấm.

Các bà nội trợ bối rối trước “mê trận” thực phẩm.


Ngoài thịt, cá, cả rau củ quả ở chợ bị nhiều người dân "nghi ngờ". Cầm một bó rau trên tay, chị Nguyễn Thị Lan (34 tuổi) đắn đo mãi mới cho vào giỏ xách. Chị Lan cho rằng, rau củ giờ cũng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên thay đổi thói quen mua sắm, vào siêu thị cho yên tâm vì có nguồn gốc rõ ràng. "Nhưng vài lần mua phải thực phẩm quá hạn, thịt ôi, rau ủng trong siêu thị, tôi cũng chẳng thể an tâm", chị Lan cho biết.

Không chỉ những người nội trợ, ngay cả đến những đầu bếp chuyên nghiệp cũng đang "lạc lối" trong "mê trận" thực phẩm. Chị Trần Thị Lan Anh, bếp trưởng Công ty TNHH Nam Thiên (quận Tân Phú) cho biết, thỉnh thoảng nhà cung cấp thực phẩm được chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đưa đến sản phẩm có những biểu hiện như mỡ ngả vàng, thịt ôi,… thì chị cũng như những nhân viên trong bếp phải trả lại nhà cung cấp hoặc lọc bỏ những phần thực phẩm có dấu hiệu "nghi ngờ". "Thực tế chúng tôi cũng không biết chính xác thực phẩm như vậy liệu có an toàn hay không nên phải xử lý để đề phòng ngộ độc", chị Lan Anh cho biết.

Theo Chi cục ATVSTP - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 73 doanh nghiệp, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn. Tổng sản lượng cung cấp cho thị trường là gần 38.000 tấn thực phẩm/năm. Tuy nhiên, dường như con số ấy chưa đủ để phục vụ nhu cầu của một thành phố với gần chục triệu dân.


Theo bà Đặng Thị Tuyết, Phó phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh), rất khó xác định thực phẩm bảo đảm an toàn nếu không có kinh nghiệm. Bà Tuyết nêu ví dụ về vụ việc Công ty TNHH Bính Hạnh (Quận 3) ngâm tẩm hóa chất để "phù phép" biến thịt lợn thành thịt bò gần đây. Theo đó, chỉ những người có kinh nghiệm trong kinh doanh lĩnh vực này mới có thể phát hiện thực phẩm không bảo đảm. "Các cơ quan chuyên môn phải "viện" đến công nghệ ADN, lấy mẫu gửi xét nghiệm mới có thể đưa ra kết luận", bà Tuyết cho biết.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh nêu giải pháp, để người dân có thể an tâm mua thực phẩm về chế biến bữa ăn gia đình thì các cơ quan chuyên môn về bảo đảm an toàn thực phẩm thành phố phải thực hiện những hành động đồng bộ, siết chặt quản lý ngay tại các chợ đầu mối. Đối với người dân, không nên hoang mang trước các tin đồn. Địa điểm kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn đều được thông tin đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Đinh Công Khánh, chuyên viên Phòng Quản lý chất lượng - Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh) khẳng định, toàn bộ nguồn thủy sản đều được kiểm soát chặt chẽ, có nguồn gốc rõ ràng. Tại chợ đầu mối Bình Điền, ông Khánh cho biết Chi cục phối hợp với Ban Quản lý chợ tiếp tục kiểm tra giám sát, lấy mẫu thử nghiệm và cấp chứng nhận an toàn trước khi thủy sản được đưa đi tiêu thụ. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện thực phẩm bẩn: Có quá khó cho người tiêu dùng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.