Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Hà Nội luôn đẹp và đáng sống

Đình Hiệp - Hoàng Linh| 24/05/2016 07:32

(HNM) - Yên bình, có chiều sâu văn hóa... là những ấn tượng đẹp mà hầu hết bạn bè quốc tế cảm nhận về Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt về môi trường. Để Hà Nội luôn đẹp và đáng sống, còn nhiều việc phải làm.


Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại cảm nhận của một số người nước ngoài đang sinh sống và học tập tại Hà Nội về vấn đề này.

Anh Alasdair McGregor (quốc tịch Scotland), nhân viên Tập đoàn Dầu khí Oceaneering International (Mỹ):
Tăng tỷ lệ không gian xanh



Mật độ dân cư rất đông đúc, lưu lượng phương tiện giao thông lớn khiến Hà Nội phải đối mặt với tình trạng không khí ô nhiễm, đặc biệt là khi độ ẩm tăng. Tuy vậy, thành phố vẫn có những khu vực thoáng đãng, trong lành như các hồ nước, công viên cây xanh rải rác ở khắp nơi. Cây xanh trên nhiều tuyến đường được chăm sóc kỹ lưỡng, đẹp mắt, xen lẫn các căn nhà có kiến trúc độc đáo đã tạo nên những không gian cổ điển hết sức ấn tượng. Tôi thấy thành phố đã thực hiện công tác giữ gìn vệ sinh rất hiệu quả, dù lượng rác sinh hoạt trong ngày là khá nhiều. Là người đã đến nhiều nơi trên thế giới và nhiều lần tới Hà Nội, tôi cho rằng, nếu thành phố có thể tăng cường tỷ lệ không gian xanh (công viên, vườn hoa, hồ nước…) và điều tiết lại lưu lượng phương tiện trong thành phố, chắc chắn Hà Nội sẽ trở nên hết sức tuyệt vời, thu hút được nhiều khách du lịch và luôn đẹp trong mắt bè bạn quốc tế.

Anh Soichi Yamana (quốc tịch Nhật Bản), nhân sự cao cấp Công ty Honda Nhật Bản:
Phải tối ưu hóa quy trình thu gom rác thải


Đất nước của các bạn thật sự rất đẹp, đặc biệt là Hà Nội. Căn nhà tôi ở nằm ngay gần Hồ Tây với một không gian rộng rãi, trong lành, thơ mộng và yên bình. Tuy nhiên, theo tôi điều kiện môi trường khu vực nội thành cần được cải thiện, nhất là về chất lượng không khí và độ sạch của ao hồ. Để làm được điều này, có lẽ Hà Nội cần đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền để người dân cùng chung tay giữ gìn vệ sinh chung, đồng thời tăng cường thêm các điểm đặt thùng rác, nhà vệ sinh, tối ưu hóa quy trình thu gom rác thải. Tại Nhật Bản, trẻ em được rèn luyện ý thức giữ gìn sự xanh, sạch ở nơi mình sống ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Tôi cho rằng, đây là điều rất đáng cân nhắc học hỏi để áp dụng đối với thành phố của các bạn.

Anh Ahmad Awad, quốc tịch Palestine, sinh viên năm thứ 3 Học viện Ngoại giao:
Bảo vệ môi trường từ việc nhỏ nhất


Khi đến Hà Nội lần đầu vào năm 2012, tôi thấy thành phố này thật thú vị. Với những người nước ngoài, Hà Nội có sức hấp dẫn đặc biệt bởi cảnh quan xen lẫn cổ điển và hiện đại. Thế nhưng, một trong những điều tôi còn băn khoăn ở đây là tình trạng rác thải bị vứt bừa bãi ở nhiều tuyến phố, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người Hà Nội đã có ý thức vứt rác đúng nơi quy định, tuy nhiên không phải ai cũng vậy. Ở những nước phát triển thì cứ 10m phố người ta lại đặt một thùng rác, còn ở Hà Nội, nhiều nơi phải đến 500m mới có. Thậm chí, nhiều người không có ý thức còn vứt rác ra ngoài phố. Tôi cho rằng, để có một Hà Nội xanh, sạch, đẹp, mỗi người dân cần tạo thói quen và ý thức bảo vệ môi trường sống, bắt đầu từ những việc nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định. Chính quyền thành phố cũng cần có những chế tài mạnh hơn để xử phạt người vi phạm.

Anh Chris Dunn, quốc tịch Australia, giáo viên tiếng Anh:
Nâng cao nhận thức của người dân


Thủ đô Hà Nội thực sự là một thành phố đẹp, một đô thị đã có lịch sử tồn tại hơn 1.000 năm. Ở góc độ nào đó, có thể so sánh Hà Nội như "Paris của Châu Á". Tuy nhiên, tôi rất bất ngờ khi biết được mức độ ô nhiễm của thành phố, một phần do ý thức gìn giữ môi trường sống còn chưa cao. Chỉ cần lái xe quanh Hà Nội, bạn có thể thấy nhiều con sông đầy rác cuộn lên trong dòng nước đen.

Trong khi đó, những hồ nước nổi tiếng của Hà Nội giờ cũng trở thành điểm tập kết rác từ các cửa hiệu và nhà hàng gần đó. Thực tế, một thành phố với khoảng 8 triệu dân ẩn chứa thách thức rất lớn. Tuy nhiên, việc thiếu ý thức từ một bộ phận người dân đối với việc giữ gìn vệ sinh trên các tuyến phố, nguồn nước hiện còn nhiều bất cập.

Tại Australia, nếu ai đó vứt rác ra đường, họ sẽ bị cảnh sát giữ lại và chịu các khoản phạt. Tuy nhiên, dường như điều này rất hiếm khi xảy ra tại Việt Nam. Vì thế, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân đối với việc bảo đảm vệ sinh môi trường, giáo dục thế hệ trẻ về những hậu quả do rác thải gây ra. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội luôn đẹp và đáng sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.