Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Thông qua phân cấp quản lý nhà nước lần 3 với 16 lĩnh vực

Bảo Hân| 03/08/2016 14:59

(HNMO)- Bước sang buổi chiều làm việc cuối cùng của Kỳ họp (3/8), HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước (PCQLNN) một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế xã hội trên địa bàn TP với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành

Cấp huyện được phân cấp quản lý một số bãi đỗ xe tập trung. Ảnh minh hoạ


Trong 7 lý do đưa ra cho thấy sự cần thiết phải phải ban hành Nghị quyết về PCQLNN một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP giai đoạn mới, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh Quyết định phân cấp quản lý số 11 năm 2011 và số 12 năm 2014 của UBND TP cho đến năm 2015 sẽ hết hiệu lực thi hành.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 có một số điều khoản khuyến khích và cho phép việc phân cấp các nhiệm vụ quản lý nhà nước từ chính quyền cấp tỉnh cho chính quyền cấp huyện và HĐND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định phân cấp.

Đánh giá kết quả thực hiện PCQLNN một số lĩnh vực kinh tế -xã hội trên địa bàn TP giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy các quy định phân cấp cũ đã tạo sự chủ động cho UBND cấp huyện trong việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề dân sinh, xã hội trên địa bàn, giảm tải cho công việc cấp cho TP. Các quận huyện, thị xã đã có sự thay đổi rõ nét trong công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội của TP, cấp huyện và cấp xã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh và phát triển kinh tế xã hội của địa phương; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hạ tầng nông thôn nói chung được cải thiện rõ nét...

Tuy nhiên, việc PCQL trong giai đoạn 2011-2015 cũng bộc lộ một số hạn chế như việc lập trình, phê duyệt, công bố công khai danh mục công trình do TP quản lý và danh mục công trình phân cấp cho cấp huyện quản lý chưa kịp thời, dẫn đến việc bàn giao, tiếp nhận danh mục công trình theo phân cấp giữa các đơn vị quản lý của TP với cấp huyện chưa đáp ứng tiến độ thời gian quy định, từ đó làm hạn chế tác động tích cực của phân cấp.

Việc PCQL trình HĐND tại Kỳ họp này được thực hiện trong 16 lĩnh vực gồm: đường bộ; chiếu sáng công cộng; công viên, vườn hoa cây xanh; thoát nước đô thị; xử lý nước thải; vệ sinh môi trường; bến bãi đỗ xe, vận tải hành khách; cấp nước sạch; thuỷ lợi; đê điều; lâm nghiệp; thông tin truyền thông; giáo dục đào tạo, dạy nghề; văn hoá - thể thao, du lịch; y tế và nghĩa trang, tang lễ.

Để bảo đảm sự rõ ràng, rành mạch, cụ thể, dễ thực hiện khi triển khai thực hiện phân cấp trong từng lĩnh vực, đặc biệt đối với cấp huyện, việc phân cấp mới theo đề xuất của cơ quan soạn thảo đã chia rõ ràng thành 3 loại hình quản lý khác nhau trong một số lĩnh vực: đầu tư, quản lý sau đầu tư, quản lý các nội dung khác có liên quan.

"TP chỉ phân cấp đến cấp huyện. Nếu thấy cần thiết và được TP cho phép, căn cứ nội dung được TP phân cấp, cấp huyện có thể tiếp tục phân cấp cho cấp xã quản lý từng lĩnh vực và nội dung công việc trên địa bàn, bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng cụ thể mỗi địa phương, phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm cấp xã theo quy định của Nhà nước" - ông Tứ cho biết.

Trong báo cáo thẩm tra, bà Phạm Thanh Mai, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách cho biết các Ban thống nhất và nhấn mạnh thêm nguyên tắc: Trách nhiệm, quyền hạn của cấp chính quyền nào thì cấp đó phải làm. Cấp nào làm tốt hơn, kịp thời phục vụ nhân dân thì giao cấp đó thực hiện. Bảo đảm công khai, minh bạch, gắn với trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền địa phương. Tăng cường kiểm tra giám sát sau phân cấp. Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vưỡng mắc trong tổ chức thực hiện phân cấp của chính quyền cấp dưới.

Rút kinh nghiệm trong thực hiện phân cấp giai đoạn 2011-2015, các Ban đề nghị UBND TP thực hiện ban hành danh mục các công trình phân cấp quản lý, đầu tư giữa cấp TP và cấp huyện trên cơ sở tiêu chí rõ ràng, cụ thể; Quy định xử lý các trường hợp chuyển tiếp, rõ trong tổ chức thực hiện; thực hiện bàn giao công việc giữa các cấp chính quyền bảo đảm quản lý thông suốt, phục vụ tốt nhân dân. Các công việc này cần hoàn thành chậm nhất trong tháng 11/2016.

Liên quan đến vấn đề ĐB Trần Thế Cương nêu, ông Nguyễn Văn Tứ cho biết về khung thời gian Nghị quyết phân cấp mới có hiệu lực, rút kinh nghiệm của 2 kỳ phân cấp trước đây, TP để quy định "lỏng", tức bất cứ khi nào cần có sự phân cấp mới thì hoàn toàn có thể thay thế được.

Về quản lý cấp phép các trạm BTS (trạm trung chuyển thu và phát sóng điện thoại di động), ông Nguyễn Văn Tứ cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm. Trong dự thảo Nghị quyét phân cấp đã đưa quản lý cấp phép các trạm BTS về TP quản lý. Trên cơ sở đó, TP sẽ chỉ đạo có cơ chế, đề án, phương án đưa công nghệ quản lý hiện đại, tập trung để việc quản lý cấp phép các trạm BTS nhanh, hiệu quả và chính xác hơn.

Một số thay đổi cụ thể trong phân cấp quản lý nhà nước  theo quy định mới: 

TP không quản lý hè mà giao cấp huyện quản lý toàn bộ hè đường trên địa bàn.

TP quản lý toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn 12 quận, các thị trấn thuôc các huyện, các phường thuộc thị xã Sơn Tây.

Trong quản lý cây xanh, TP quản lý, bao gồm cả việc chặt hạ, duy trì, chăm sóc, cắt tỉa, trồng bổ sung, thay thế cây xanh trên địa bàn 12 quận, các thị trấn thuộc các huyện, các phường thuộc thị xã Sơn Tây và cây xanh trên các đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường trên cao do TP quản lý đi qua địa bàn 18 huyện và thị xã Sơn Tây để bảo đảm đồng bộ mỹ quan đô thị Thủ đô.

TP quản lý, duy trì vệ sinh môi trường trên các đường cao tốc, còn lại giao cấp huyện quản lý, duy trì vệ sinh môi trường trong toàn bộ phạm vi địa giới hành chính.

TP thống nhất quản lý các khu xử lý rác thải, bãi chôn lấp rác thải, đất thải tập trung trên đại bàn.

Cấp huyện (trừ 4 quận nội đô) được phân cấp quản lý một số bãi đỗ xe tập trung gắn với các tuyến đường do cấp huyện quản lý đầu tư.

Bỏ phân cấp cho cấp huyện quản lý hoạt động đối với bến khách ngang các sông vừa và nhỏ, bến dân sinh thuộc địa giới hành chính của quận, huyện, thị xã.

Bổ sung quy định TP đầu tư tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến do cấp huyện quản lý; hỗ trợ đầu tư tu bổ các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Thông qua phân cấp quản lý nhà nước lần 3 với 16 lĩnh vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.