Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp dụng biện pháp hành chính đưa người nghiện đi cai: “Nghẽn” từ khâu đầu tiên

Hà Phong| 09/08/2016 06:33

(HNM) - Cắt giảm các thủ tục không cần thiết nhằm giảm chi phí, thời gian, công sức của người dân trong quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là mục tiêu Chính phủ đang hướng tới. Nhưng thực tế hiện nay, việc đưa người nghiện đi cai lại đang bị


Khó từ tiếp nhận đến xử lý

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn liên quan, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa NNMT vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải dựa vào quyết định của TAND cấp huyện. Song tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, vướng mắc ngay từ khâu xác định NNMT.

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, việc xác định NNMT theo quy định hiện hành chỉ được thực hiện khi đối tượng tự giác khai báo tình trạng nghiện. Trong khi trên thực tế, NNMT thường không tự nhận nghiện và che giấu các triệu chứng lâm sàng nên rất khó xác định họ có nghiện hay không. Đặc biệt, để xác định tình trạng nghiện, cơ quan y tế phải giữ người nghiện, không cho họ sử dụng ma túy trong 48 giờ để xác định tình trạng nghiện trong nhóm OPIATS và 72 giờ đối với việc xác định tình trạng nghiện ATS tại các cơ sở y tế. Nhưng việc thiếu quy định về việc giữ người, cơ quan nào giữ người để xác định tình trạng nghiện, khiến các cơ quan y tế gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, nguy cơ đối tượng nghiện bỏ trốn dễ xảy ra.

Khó khăn nữa là việc xác định nơi cư trú và bàn giao NNMT về nơi cư trú để lập hồ sơ. Điểm b, Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ban hành ngày 30-12-2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nêu: Trường hợp nơi cư trú của người vi phạm không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, hình thức bàn giao, trách nhiệm phối hợp của các bên liên quan lại không được quy định cụ thể.

Các thủ tục hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người có nơi cư trú ổn định cần tới 9 thành phần. Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội Phùng Quang Thức cho rằng, người nghiện phải được điều trị sớm. Do đó, quy trình thủ tục lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc càng rõ ràng, nhanh chóng thuận lợi thì càng tạo điều kiện để người nghiện tự giác đi cai nghiện ma túy bắt buộc.

Giảm thủ tục hành chính

So với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 221 còn “đẻ” thêm giấy tờ khi yêu cầu nộp “Quyết định của chủ tịch UBND cấp xã về việc giao cho gia đình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Trong khi đó, giấy tờ này không phải là tài liệu làm căn cứ để chứng minh đối tượng xử lý. Còn đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với NNMT không có nơi cư trú ổn định thì có đến hai thành phần được quy định thêm. Đó là “Quyết định của chủ tịch UBND cấp xã về việc giao tổ chức xã hội quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” và “Văn bản của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Tổng kết thực tiễn và lắng nghe những phản ánh của dư luận, một trong những điểm mới của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221 là loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, nằm ngoài quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời làm rõ quy trình phối hợp xử lý đưa người nghiện đi cai. Cùng với việc đơn giản hóa thành phần hồ sơ, dự thảo cũng đã mở rộng người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện nhằm đẩy nhanh tiến độ xác định tình trạng nghiện và cai nghiện cho NNMT.

Theo tính toán của cơ quan soạn thảo (Bộ LĐ-TB&XH), những cải cách trên có thể cắt giảm gần 40% thời gian cũng như chi phí lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Song, Nghị định 221 vẫn còn hạn chế mà dự thảo sửa đổi, bổ sung chưa khắc phục. Theo quy định tại Điều 11, Nghị định 221, sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan lập hồ sơ thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ; thời gian đọc hồ sơ trong 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Thực tế phát sinh trường hợp, sau khi nhận được thông báo, đối tượng bỏ trốn khỏi địa phương.

Một bất cập khác cũng rất đáng quan tâm. Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (tháng 1-2014) đến nay, vẫn chưa có quy định để đưa người nghiện vị thành niên đã cai nghiện nhưng không thành công vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, NNMT ngày càng trẻ hóa. Đây là hai điểm không phù hợp cần sớm được nghiên cứu, tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng biện pháp hành chính đưa người nghiện đi cai: “Nghẽn” từ khâu đầu tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.