Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩ về một “hành lang xanh” cho Hà Nội

Bài, ảnh: Đỗ Quỳnh Chi| 25/08/2016 07:02

(HNM) - Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 80km và cũng tương ứng với đó là chiều dài vùng bãi ven sông. Đặc biệt, vùng bãi qua khu vực nội thành (tính từ Thượng Cát đến hết địa bàn huyện Thanh Trì) có chiều dài gần 40km hoàn toàn có thể phát triển thành vùng đệm, “hành lang xanh” cho khu vực nội đô.


“Thỏa thuận lại” với dòng sông

Tính cả hai bên bờ sông Hồng đoạn qua khu vực nội đô, vùng đất bãi có diện tích hàng nghìn héc ta. Từ bao đời nay, những rẻo đất bãi bồi được canh tác “ăn chắc” trong khoảng 8 tháng nhưng đã góp phần nuôi sống hàng nghìn hộ gia đình. Cuối thế kỷ XX, sau khi chế độ thủy văn của sông Hồng thay đổi do việc phát triển thủy điện phía thượng nguồn, bãi sông cũng được khai thác mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, về cơ bản đây vẫn là những khu vực cho hiệu quả kinh tế thấp.

Cần tăng cường quản lý để khai thác các bãi bồi bên sông Hồng đạt hiệu quả cao nhất. Ảnh: Khánh Huy



Có thể nói, khai thác sông Hồng là một ý tưởng lớn và khai thác thế nào cũng là một câu hỏi lớn. Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trục cảnh quan lấy sông Hồng làm trung tâm khai thác các yếu tố cây xanh mặt nước cùng các thiết chế văn hóa cấp thành phố, quốc gia và quốc tế. Trục tâm linh gắn kết núi Ba Vì với Ba Đình, nối kết với khu vực Cổ Loa tạo nên trục văn hóa lịch sử và tâm linh lớn của cả nước đã được thiết lập.

Mục tiêu đã rõ, vấn đề là để thực hiện mục tiêu đó sẽ phải giải hàng loạt bài toán từ quy hoạch cho đến chính sách thu hút đầu tư... Trong đó có việc làm sao bảo đảm kết nối đồng bộ và phân bổ giao thông giữa các đường trục kết nối giữa các đô thị tại khu vực đầu cầu với các cầu qua sông Hồng, rồi từng bước hoàn thiện quy hoạch hai bên sông.

Một vấn đề quan trọng khác là việc khai thác hai bên sông Hồng cũng sẽ phải lấy sông Hồng làm chủ thể. Đưa ra hình thái đô thị phù hợp với ngữ cảnh sông Hồng và dù thế nào đi nữa thì việc phát triển phải lấy con người làm trung tâm gắn với hệ sinh thái tại chỗ.

Bãi ven sông - "hành lang xanh"

Khu vực nội thành Hà Nội ngày nay đã quá đông đúc, chật chội và đã hết quỹ đất để mở rộng không gian công cộng. Thành phố cũng có chiến lược phát triển đô thị sang phía Long Biên, Đông Anh và lấy sông Hồng làm trục trung tâm. Do đó, việc nghiên cứu, bố trí những đoạn đất bãi ven sông, đặc biệt là khu vực bãi giữa trở thành “hành lang xanh” cho nội đô là giải pháp cần được nghiên cứu.

Công viên Mekarsari (tỉnh Bogor, Indonesia) là một mô hình đáng để tham khảo về phát triển “hành lang xanh” cho đô thị.



Nếu ai có dịp đến một số nước như Trung Quốc, Indonesia…, sẽ có dịp được chứng kiến những khu vườn - công viên, rộng hàng trăm héc ta nằm ngay cạnh các đô thị lớn. Nơi đây được chia thành những phân khu rộng từ vài đến hàng chục héc ta tùy diện tích; trồng một loại cây chuyên biệt mang đặc trưng của quốc gia. Việc tuyển chọn những giống cây này dựa trên cơ sở phân tích của giới khoa học về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và đặc trưng sinh thái để cây có thể sinh trưởng tốt nhất. Đáng lưu ý, những khu công viên - vườn này là địa điểm cắm trại, tổ chức sự kiện ngoài trời, giáo dục trực quan về thiên nhiên rất phù hợp. Ví dụ như tại Bogor, cách thủ đô Jakarta (Indonesia) vào khoảng 70km có Công viên Mekarsari rộng gần 500ha, trồng khoảng gần 100 loại cây ăn quả, cây đặc trưng của Indonesia. Mỗi năm địa điểm này thu hút hàng chục vạn người, đặc biệt là học sinh đến tham quan, tìm hiểu.

Thiết nghĩ, trong điều kiện của Hà Nội hiện nay cũng như lâu dài, mô hình trên rất đáng học tập. Với việc hình thành công viên - vườn ngoài khu vực bãi sông Hồng, có thể tạo nguồn thu từ đây thông qua hoạt động du lịch - giáo dục, điều còn rất thiếu đối với Hà Nội. Lợi ích của giải pháp nói trên ngoài việc tạo cảnh quan xanh, môi trường trong lành cho khu nội đô vốn đã rất bí bách, thì còn bảo đảm được yếu tố thoát lũ sông Hồng trong những điều kiện lũ lụt bất thường. Bởi ở những khu vực này, tối giản việc xây dựng công trình bề thế, có thể phá hỏng cảnh quan và ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ.

Đoạn sông Hồng chảy qua nội thành Hà Nội là một "không gian xanh" mà trời đất ban cho Hà Nội. Với tầm nhìn cho tương lai, việc sớm chỉnh trị đoạn sông Hồng nói chung, vùng bãi nói riêng để bảo đảm thoát lũ, tạo cảnh quan đô thị là việc làm e rằng không phải là quá sớm và cần có sự tham gia của nhiều nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ về một “hành lang xanh” cho Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.