Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn ô nhiễm từ đầu nguồn

Bài, ảnh: NGUYỄN LÊ| 16/09/2016 06:56

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang bị bủa vây bởi nhiều nguồn gây ô nhiễm khác nhau. Để giảm tối đa tình trạng ô nhiễm này, các sở, ngành chức năng của TP Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn từ đầu nguồn.

Công nhân vệ sinh xử lý tình trạng ô nhiễm hệ thống tiêu thoát.



Bốn nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng

Ngày 14-9, tại buổi làm việc với Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình ô nhiễm trên địa bàn, Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có 4 nguồn gây ô nhiễm chính là ô nhiễm nước thải (gồm nước thải công nghiệp và sinh hoạt), ô nhiễm nước mặt (trên hệ thống kênh, rạch nội thành), ô nhiễm không khí (khí thải nhà máy và phương tiện giao thông) và ô nhiễm từ chất thải rắn. Các nguồn gây ô nhiễm trên đều rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 3.370 cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ có lưu lượng nước thải 10m3/ngày đêm trở lên, trong đó nhiều cơ sở phát sinh nước thải công nghiệp độc hại như sản xuất giấy, nhựa, nhuộm, chế biến thực phẩm, cơ khí... nhưng không có hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó là nhiều cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong quá trình sản xuất phát sinh nước thải nhưng sử dụng công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường. Đối với nước thải sinh hoạt, với dân số khoảng 13 triệu người, lượng nước sinh hoạt thải ra môi trường mỗi ngày trên địa bàn là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay thành phố mới chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt hoạt động, trong khi theo quy hoạch phải có 12 nhà máy như vậy mới cơ bản đáp ứng được yêu cầu xử lý nước thải sinh hoạt.

Về ô nhiễm nước mặt trên hệ thống kênh rạch, theo kết quả quan trắc mới nhất, chất lượng nước kênh rạch nội thành có mức độ ô nhiễm hữu cơ, mức độ ô nhiễm dinh dưỡng và vi sinh vẫn còn cao. Nguyên nhân là phần lớn các tuyến kênh rạch chạy qua khu vực nội thành chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải đô thị và nước thải từ các cơ sở sản xuất chưa được xử lý, hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn xả ra. Trong đó, rạch Bình Thọ, suối Nhum - Xuân Trường - suối Cái, kênh Ba Bò, kênh Thầy Cai - An Hạ... bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất.

Về ô nhiễm không khí, TP Hồ Chí Minh có khoảng 830 nguồn phát khí thải, trong đó, 30% nguồn thải chưa có hệ thống xử lý. Riêng nguồn khí thải từ phương tiện giao thông chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

Đối với chất thải rắn, hiện TP Hồ Chí Minh thải ra khoảng 7.500 tấn chất thải rắn mỗi ngày, tăng 5%/năm. Đây là lượng chất thải rất lớn, nhưng không được phân loại tại nguồn hiệu quả. Phương pháp xử lý chủ yếu chôn lấp nên nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Từng bước ngăn chặn

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, để đáp ứng năng lực xử lý nước thải sinh hoạt khổng lồ (khoảng 2,8 triệu mét khối/ngày), thành phố đang triển khai xây dựng 2 nhà máy là Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) và Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát. Hiện Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được bố trí vốn; 4 nhà máy đang kêu gọi đầu tư là Nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn, Nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm, Nhà máy Bình Tân và Nhà máy Bắc Sài Gòn. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, kế hoạch đến năm 2020, thành phố sẽ triển khai đầu tư 7 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất 2,4 triệu m3/ngày. Đối với nước thải công nghiệp, TP Hồ Chí Minh yêu cầu các nguồn phát thải chưa có hệ thống xử lý phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong quý I-2017. Phấn đấu đến năm 2020, 100% nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố được xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Đối với nguồn nước mặt trên hệ thống kênh rạch nội thành, thành phố yêu cầu quan trắc thường xuyên để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép.

Đối với chất thải rắn, Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, bên cạnh việc triển khai phân loại rác tại nguồn, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục lập Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, một phần của Đồ án sẽ định hướng về mạng lưới, quy mô, công nghệ của các trạm trung chuyển trên địa bàn thành phố, đồng thời xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố. Về ô nhiễm không khí, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư trang thiết bị, lắp đặt hệ thống quan trắc không khí tại các nút giao thông trọng điểm, các khu - cụm công nghiệp, các khu vực đông dân cư và cả quan trắc không khí xung quanh các bãi chôn lấp chất thải rắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn ô nhiễm từ đầu nguồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.