Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2016: Khuyến khích sự sáng tạo vì cộng đồng

Mai Hoa| 18/09/2016 07:21

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề “Kiến trúc vì mọi người” được lựa chọn cho Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2016.


Ngôi nhà có tên là “Biệt thự mặt trời” ở ngoại thành Hà Nội - giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2015.


"Kiến trúc vì mọi người"

Chủ đề “Kiến trúc vì mọi người” luôn có vị trí quan trọng trong dòng định hướng sáng tạo kiến trúc theo xu hướng tiến bộ, nhân văn mà GTKTQG đề ra trong suốt những năm qua. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, KTS Nguyễn Tấn Vạn lý giải: “Đô thị thông minh, đô thị xanh mà chúng ta hay nói tới, về bản chất chúng đều nhắm mục tiêu đô thị bền vững, hướng đến một xã hội công bằng. Những kỳ giải gần đây, nhìn chung, các tác phẩm đoạt giải thưởng đều được thiết kế theo xu hướng kiến trúc hiện đại, đơn giản nhưng vẫn đậm đà bản sắc địa phương, chú trọng đến các yếu tố “xanh” đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân… Đó cũng là định hướng chính của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới”.

Có rất nhiều yếu tố từ thực tế cuộc sống đòi hỏi sự chung tay của giới KTS trong việc phục vụ cộng đồng. Trước hết là chênh lệch giàu - nghèo khiến một bộ phận không nhỏ dân nghèo thành thị, dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã và đang gặp nhiều khó khăn về chỗ ở, điều kiện sống. Cùng với đó biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt khiến chúng ta phải đối mặt thường xuyên hơn với hạn hán, bão lũ, ngập mặn… Trong đó, những người bị tác động lớn nhất là người nghèo. Cũng phải kể đến hiện tượng các nhà đầu tư mải chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua nhiệm vụ đầu tư các khu sinh hoạt dành cho cộng đồng. Trước thực tế ấy, với việc đề cao trách nhiệm xã hội của giới KTS Việt Nam, Hội đồng GTKTQG năm 2016 lưu tâm đặc biệt đến các công trình mang ý nghĩa phục vụ “các cộng đồng yếu thế và chịu nhiều tác động của thiên tai do biến đổi khí hậu”. Đây là mục tiêu mang tính thời sự, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về phát triển nông thôn, phát triển vùng sâu, vùng xa và vùng bị bão lũ. Hội đồng GTKTQG cũng nhiều lần nhấn mạnh đến sự cần thiết phải khuyến khích đề tài này, tuy nhiên, cho đến kỳ giải năm 2014, đồ án thiết kế nhà ở và quy hoạch nông thôn còn hạn chế về số lượng, nghèo về giải pháp đề xuất. KTS Nguyễn Tấn Vạn nhấn mạnh: “Nhà ở nông thôn đã được cải thiện rất nhiều, nhưng nông thôn đang đứng trước vấn đề nan giải là môi trường sống ngày càng bị ảnh hưởng trầm trọng, kiến trúc truyền thống bị phá vỡ. Quy hoạch nông thôn chưa thực sự gắn liền với cơ cấu sản xuất nông thôn, thiết kế quy hoạch cũng như nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của cuộc sống người nông dân hôm nay”.

Hội KTS Việt Nam, Hội đồng GTKTQG đã tiếp tục đề ra định hướng “kiến trúc vì mọi người” vận động giới KTS góp sức, chung tay với Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề dân sinh. KTS Nguyễn Tấn Vạn chia sẻ: “Dịp triển lãm mẫu nhà ở nông thôn ở tỉnh Hải Dương, bà con đến xem đông lắm, xin mẫu này, mẫu kia về xây. Nghĩa là bà con rất cần giới KTS, chỉ là chúng ta có cách tiếp cận, hướng dẫn bà con một cách hợp lý hơn không mà thôi”.

Đổi mới để có thêm tác phẩm giá trị

Về những điểm mới của GTKTQG năm 2016, đại diện bộ phận Thường trực BTC, KTS Nghiêm Hồng Hạnh cho biết: “Có tổng cộng 16 thể loại, nhưng thay vì trao duy nhất 1 giải vàng ở mỗi thể loại như kỳ giải 2014, ở kỳ giải 2016, BTC sẽ trao cả giải vàng, bạc, đồng cho từng thể loại, nhằm khuyến khích được nhiều tác giả có tác phẩm giá trị. Bên cạnh đó, BTC vẫn trao Giải thưởng Lớn dành cho tác phẩm, công trình có tính đột phá đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc, có tính xã hội và nhân văn sâu sắc; có bằng khen dành cho KTS trẻ tiêu biểu và bằng khen cho tập thể”.

Đặc biệt, BTC chủ động tăng cường đổi mới hình thức tổ chức để thu hút sự tham gia của giới KTS và cộng đồng thông qua việc tổ chức chấm giải và trao giải gắn với Liên hoan Kiến trúc Việt Nam; tổ chức hội thảo, triển lãm, giao lưu giữa các thế hệ KTS, tham quan thực tế một số công trình dự giải…

Với chủ trương tăng cường sự tương tác để các công trình gần gũi hơn với cộng đồng, BTC cũng dành 1 giải thưởng cho tác phẩm được cộng đồng bình chọn. Bên cạnh đó, còn phải kể đến danh hiệu “Nhà đầu tư thông minh” dành cho các chủ đầu tư có đóng góp tích cực trong việc đổi mới công nghệ, giải quyết được những vấn đề cấp thiết trong xã hội.

Qua 22 năm GTKTQG, có thể thấy Việt Nam đã có những công trình rất thành công. Có thể kể đến dự án tôn nền chống lũ - một chương trình đậm chất nhân văn do Nhà nước đầu tư, chủ yếu để giải quyết cho những người thiệt thòi, giúp họ không chỉ có nhà ở an toàn mà còn được hưởng những dịch vụ tiện ích khác như điện, nước, trường học, nhà trẻ trong mùa mưa lũ; Chương trình giải quyết nhà ở gần kênh rạch với các đô thị ở TP Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, hay các chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp… Bày tỏ sự kỳ vọng về kỳ giải 2016, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nói: “Tác phẩm cần phải coi trọng xu hướng hiện đại, thể hiện được chiều sâu nghiên cứu, đưa văn hóa dân tộc lồng vào kiến trúc hiện đại một cách nhuần nhị và đặc biệt là phải thể hiện sự đổi mới, để lại dấu ấn trong dòng chảy thời gian”!

* Giải thưởng Kiến trúc quốc gia là giải thưởng có uy tín nhất trong lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch, được tổ chức từ năm 1994 theo định kỳ 2 năm/lần nhằm tôn vinh các tác giả - tác phẩm kiến trúc xuất sắc trên toàn quốc.

* Chủ đề kỳ giải 2016 là “Kiến trúc vì mọi người”. Lễ trao giải sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan Kiến trúc Việt Nam, bao gồm nhiều sự kiện ý nghĩa như Hội thảo - Triển lãm Kiến trúc quốc tế tại Đà Nẵng (tháng 4-2017). Hạn gửi hồ sơ cho Ban GTKTQG tỉnh, thành phố do Ban GTKTQG các tỉnh, thành phố thông báo - trước hạn nộp cho Hội đồng. Các ban GTKTQG tỉnh, thành phố và tác giả gửi trực tiếp cho Hội đồng GTKTQG (40 Tăng Bạt Hổ - Hà Nội) trước ngày 30-11-2016.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2016: Khuyến khích sự sáng tạo vì cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.