Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoài Đức tích cực thực hiện kế hoạch chuyển đổi thành quận vào năm 2020

Mai Chi| 25/10/2016 16:34

(HNMO) - Chiều 25/10, ông Đỗ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2016 trên địa bàn huyện.

Ông Đỗ Đức Trung thông tin tại hội nghị.


Trong 9 tháng đầu năm 2016, mặc dù với những khó khăn của nền kinh tế cả nước, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đạt và có khả năng vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất tăng trưởng tương đối cao, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.121 tỷ đồng; giá trị công nghiệp xây dựng đạt 5.475 tỷ đồng; giá trị hàng hóa, dịch vụ đạt 5.210 tỷ đồng.

Đặc biệt, huyện đã chủ động, tích cực trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực với tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính cao; tình hình quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, triển khai đất dịch vụ và triển khai các dự án trọng tâm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.

Các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục được chú trọng và đạt nhiều kết quả tốt; các chính sách xã hội được triển khai kịp thời, bảo đảm đúng chế độ, đúng đối tượng; tích cực triển khai bước đầu công tác xã hội hóa nước sạch trên địa bàn huyện, công tác chỉnh trang tu bổ tôn tạo các công trình xã hội thiết yếu được quan tâm; giao quân bảo đảm đủ chỉ tiêu, an toàn, đúng luật. Tình hình trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, không để xảy ra những vụ việc có tính chất nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Qua đó, huyện Hoài Đức đã đề ra các giải pháp chủ yếu trong 3 tháng cuối năm 2016 để thực hiện 3 chỉ tiêu chính, đó là: Phấn đấu cơ bản hoàn thành việc giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND thành phố và kế hoạch của huyện; hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong đó tập trung đối với các thu, chi ngân sách, giá trị sản xuất và triển khai “Năm trật tự văn minh đô thị”; chỉ đạo, đôn đốc các xã được giao nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Giải đáp câu hỏi của báo chí, liên quan đến các trạm trộn bê tông trái phép trên địa bàn huyện Hoài Đức, ông Trung khẳng định đây là vấn đề gây bức xúc không chỉ cho người dân mà còn cả các doanh nghiệp, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề nguồn nước, môi trường, gây khói bụi. Theo chỉ đạo của thành phố và sau khi tiếp thu ý kiến của báo chí, huyện đã quyết liệt rà soát, xử lý, xử phạt với mức tiền lên đến 800 triệu đồng, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp khác như cắt điện, mời trực tiếp đại diện các trạm tới làm việc và nêu rõ quan điểm xử lý dứt điểm, kiên quyết.

Về vấn đề xử lý nước thải đối với một huyện đặc thù tập trung nhiều làng nghề truyền thống, ông Trung cho biết nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà với số vốn đầu tư xấp xỉ 300 tỷ có công suất 20.000m3/ngày đêm, đáp ứng việc xử lý nước thải của 3 làng nghề là Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai. Ngoài ra, thành phố đang đầu tư thêm 2 nhà máy xử lý nước thải cho Hoài Đức (mỗi nhà máy có công suất 8.000m3/ngày đêm). Việc 3 nhà máy này được đưa vào hoạt động hoàn chỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của các xã và thị trấn trên địa bàn huyện.

Huyện Hoài Đức đã lên kế hoạch để từng bước thực hiện các nhóm tiêu chí chuyển đổi thành quận từ nay tới năm 2020. Hiện huyện đã đạt cơ cấu kinh tế nông nghiệp dưới 10%; cơ cấu lao động phi nông nghiệp trên 80%. Dự kiến, huyện sẽ đáp ứng được chỉ tiêu về dân số với tốc độ tăng trưởng và đầu tư đồng bộ như hiện nay. Tuy nhiên, huyện cần sự ủng hộ, hỗ trợ và quyết tâm rất lớn về hạ tầng khung đô thị, cầu đường và một số vấn đề khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức tích cực thực hiện kế hoạch chuyển đổi thành quận vào năm 2020

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.