Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng cháy, chữa cháy trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Không thể thờ ơ!

Thành Tâm| 08/01/2017 07:06

(HNM) - Tình hình cháy nổ trên địa bàn Hà Nội thời gian qua diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân chính vẫn là sự lơ là, thờ ơ của chủ cơ sở sản xuất. Thực trạng trên đòi hỏi cơ quan chức năng về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cũng như chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nâng cao cảnh giác, khả năng ứng phó để hạn chế tối đa hỏa hoạn và thiệt hại do hỏa hoạn gây ra…

Để nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, công tác kiểm tra, xử lý phải được tiến hành thường xuyên trong thời gian tới.


Cháy nhiều, thiệt hại lớn

Lãnh đạo Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, trong tháng 12-2016, trên địa bàn thành phố xảy ra 101 vụ cháy, trong đó có 1 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 18 vụ cháy trung bình, 71 vụ cháy nhỏ, 5 vụ cháy rừng, ngoài ra còn có 41 vụ chập điện trên cột, 44 vụ cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan. Chỉ trong 1 tháng các vụ cháy đã làm 1 người chết, 1 người bị thương nhẹ, thiệt hại khoảng 227 tỷ đồng… Đáng lưu ý là trong số các vụ cháy xảy ra trong tháng 12-2016 có 22 vụ cháy nhà kho, xưởng sản xuất, tăng 13 vụ so với tháng trước đó. Trong số các vụ cháy ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh có 4 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, gây sập đổ gần 5.000m2 kho xưởng, thiệt hại tài sản ước tính trên 200 tỷ đồng.

Có thể kể ra một số vụ cháy điển hình như vụ việc xảy ra sáng 2-12-2016 tại kho chứa gỗ và chứa cáp điện của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phú Hưng tại Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì). Trong vụ này, Cảnh sát PC&CC thành phố phải điều động 15 xe chữa cháy, xe chuyên dụng tổ chức chữa cháy. Thiệt hại về tài sản ước tính lên đến khoảng 115 tỷ đồng. Chỉ sau đó một ngày, siêu thị điện máy, điện lạnh của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Minh Hải (tại ngã tư Xuân Mai, đường Hồ Chí Minh, huyện Chương Mỹ) xảy ra cháy. Cảnh sát PC&CC phải điều 9 xe chữa cháy và xe chuyên dụng phối hợp với các lực lượng khác tới hiện trường tổ chức chữa cháy.

Trong vụ này, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 11 tỷ đồng. Ít ngày sau, tối 6-12-2016, xưởng sản xuất sơn của Công ty cổ phần kỹ nghệ Châu Âu và xưởng len sợi của Công ty TNHH Nam Việt (thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức) lại cháy. 15 xe cứu hỏa chuyên dụng được điều động đến hiện trường, nhưng thiệt hại về tài sản cũng lên đến khoảng 70 tỷ đồng. Gần đây nhất, rạng sáng 27-12-2016, Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 nhận được tin báo cháy tại Nhà xưởng Công ty TNHH Thương mại Minh Tâm (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh). 8 xe chuyên dụng của Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 và Phòng Cảnh sát PC&CC số 6 được huy động cứu chữa. Đến nay, thiệt hại vẫn chưa thống kê hết…

Thường trực ý thức tự phòng

Điều đáng nói là qua điều tra, phân tích nguyên nhân các vụ cháy trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì phần lớn là do bất cẩn của chủ cơ sở. Trong vụ cháy tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phú Hưng thì nguyên nhân được cho là quá “quen thuộc” - do thi công hàn cắt. Còn vụ cháy ở Công ty cổ phần kỹ nghệ Châu Âu và xưởng len sợi của Công ty TNHH Nam Việt, nguyên nhân do đốt rác tại khu vực lưu không. Một số vụ cháy khác được xác định là do chập điện, mà sâu xa hơn là do chủ cơ sở đã không chú trọng đến việc kiểm tra an toàn đối với các hệ thống điện, vật liệu dễ cháy liên quan đến công tác PCCC… Mặt khác, nhiều đám cháy trong các khu, cụm công nghiệp xa nơi đóng quân của lực lượng PC&CC chuyên nghiệp nên việc ứng cứu hiệu quả chưa cao.

Để khắc phục thực trạng trên, ngày 28-12-2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký ban hành Công văn số 7362/UBND-KT về tăng cường công tác bảo đảm an toàn PCCC trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã và các ngành chức năng kiểm tra toàn diện công tác PCCC tại các cơ sở công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, cung ứng sử dụng điện trên địa bàn. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, việc kiểm tra phải gắn liền với xử lý vi phạm nghiêm minh, đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, làm tốt công tác tự kiểm tra và phòng ngừa cháy nổ…

Lãnh đạo Cảnh sát PC&CC thành phố cho biết, việc tuyên truyền về PCCC đã và đang được lực lượng tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục, theo hướng thực chất, sát với thực tiễn với hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 13 nhấn mạnh, yếu tố con người là số 1, do đó lực lượng chữa cháy cơ sở phải thường xuyên phối hợp với lực lượng chính quy xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, thường xuyên tập huấn để nâng cao kỹ năng tác chiến…

Để nâng cao ý thức về PCCC, Cảnh sát PC&CC thành phố cũng liên tục mở các lớp tập huấn cho người đứng đầu các cơ sở. Trong giai đoạn hiện nay, khi năng lực chữa cháy chuyên nghiệp dù đã được củng cố nhưng chưa theo kịp với đòi hỏi thực tiễn thì yếu tố “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) đóng vai trò quan trọng trong công tác PCCC. Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, năng lực của lực lượng PCCC cơ sở là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định giảm thiểu thiệt hại do cháy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng cháy, chữa cháy trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Không thể thờ ơ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.