Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Thu hút nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa

Tuệ Diễm| 18/01/2017 07:08

(HNM) - Năm 2016, TP Hồ Chí Minh đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa. Nhiều phương án tổ chức xã hội hóa các chương trình lễ hội đường phố đã giúp hoạt động văn hóa của thành phố phong phú hơn; đồng thời tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng...

Dấu ấn xã hội hóa

Theo thống kê của Phòng tổ chức Lễ và Sự kiện của Sở Văn hóa - Thể thao, năm 2016 TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 70 chương trình lễ hội. Trong đó, ban tổ chức đã thực hiện hàng loạt các ngày kỷ niệm như: Kỷ niệm 40 năm Sài Gòn - Gia Định chính thức được mang tên TP Hồ Chí Minh; 41 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Song song đó là các hoạt động văn hóa đặc sắc tại khu vực trung tâm và các khu đô thị mới của thành phố nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách như: Lễ hội TP Hồ Chí Minh chào đón năm mới; Lễ hội Hoa anh đào; Ngày hội Gia đình và tuổi thơ...

Để đủ kinh phí cho 70 chương trình lễ hội, thành phố đã chủ trương vận động từ nguồn của các doanh nghiệp. Trong năm 2016, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hàng loạt chương trình trình diễn nghệ thuật đường phố tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực trung tâm để huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Chính nhờ hoạt động xã hội hóa, thành phố đã tạo được nguồn quỹ để hỗ trợ tổ chức các hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động bắn pháo hoa vào các ngày lễ lớn. Tính đến nay, thành phố đã huy động xã hội hóa hoạt động bắn pháo hoa, thu được nguồn tài trợ 36 tỷ đồng cho năm 2016 và dự kiến sẽ đạt được mức 170 tỷ đồng trong 5 năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tham gia đóng góp hiện vật, hoặc trực tiếp tổ chức các hoạt động kỷ niệm lớn của đất nước với tổng giá trị thực hiện trên 25 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu Việt - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Theo tính toán, mỗi năm các doanh nghiệp đã chi ra gần 100 tỷ đồng để thực hiện chương trình xã hội hóa”.

Tăng cường kiểm tra, quản lý

Để bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp tham gia đóng góp vào hoạt động xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố, năm 2017, UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất chủ trương cho doanh nghiệp tham gia bỏ giá đóng góp cao nhất cho quỹ hỗ trợ các hoạt động văn hóa sẽ được tổ chức chương trình và có quyền vận động các doanh nghiệp khác tham gia quảng bá hình ảnh, sản phẩm theo quy định. Các thông tin này sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mời gọi đóng góp.

Là thành phố đông dân nhất nước nên nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, cũng như tổ chức các dịch vụ văn hóa đòi hỏi chất lượng cao nên nhiều ý kiến lo ngại sự tham gia của các nhà tài trợ sẽ kéo theo những tác động đến giá trị văn hóa. Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2016 và triển khai hoạt động Ngành Văn hóa - Thể thao năm 2017, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Quan điểm của thành phố trong năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người thành phố. Chủ trương đẩy mạnh kêu gọi sự tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, nhưng tuyệt đối ngăn cấm hình thức xã hội hóa vi phạm quy định về văn hóa. UBND thành phố sẽ tăng cường kiểm tra quản lý các hoạt động lễ hội trên địa bàn, tổ chức các hoạt động lễ hội theo định hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, chống thương mại hóa chi phối lễ hội”.

Thành phố tuyệt đối cấm các cơ sở văn hóa cho các doanh nghiệp thuê cơ sở vật chất để lấy quỹ. Điển hình như cho thuê mặt bằng các bảo tàng để kinh doanh quán ăn, quán cà phê làm phá vỡ không gian văn hóa. Đồng thời, về lâu dài khi hoạt động xã hội hóa được đẩy mạnh sẽ có ban kiểm tra, rà soát tài chính để tránh tình trạng Ban tổ chức lễ hội vừa xin ngân sách nhà nước vừa kêu gọi doanh nghiệp tài trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Thu hút nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.