Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sớm có câu trả lời của cơ quan chức năng

Kính Lúp| 13/03/2017 05:50

(HNM) - Đến ngày 1-1-2018, mô tô, xe gắn máy, ô tô các loại hết thời hạn sử dụng (quen gọi là xe hết “đát”) sẽ bị tịch thu theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Theo quyết định này, người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ bằng cách tự chuyển đến chỗ thu hồi; chuyển giao cho cá nhân, tổ chức thu gom; chuyển giao cho các đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải có chức năng phù hợp...

Trước hết phải khẳng định, việc lưu hành những chiếc xe hết “đát” đã, đang trở thành hiểm họa cho toàn xã hội, cho nên thu hồi, thải bỏ chúng là chủ trương đúng và cần phải được thực hiện nghiêm nhằm bảo đảm môi trường, giảm thiểu tai nạn giao thông... Tuy nhiên, hiện nhiều câu hỏi cần sớm có câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng. Thứ nhất, với ô tô thì còn biết khi nào hết “đát” thông qua việc cơ quan đăng kiểm dán tem và thông báo trên hệ thống dữ liệu toàn quốc, nhưng thế nào là xe máy hết “đát” thì đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể.

Với không ít người nghèo, chiếc xe máy còn là “cần câu cơm”, nếu tịch thu mà không có sự hỗ trợ cần thiết sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Vì thế cần sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện đối với người nghèo. Tuy nhiên, khi tiến hành thu hồi, thải bỏ ô tô, xe máy không đủ điều kiện lưu thông thì Nhà nước không có trách nhiệm phải hỗ trợ tất cả các tổ chức, cá nhân bị thu hồi mà chỉ nên xem xét hỗ trợ những người nghèo tự nguyện giao nộp xe không đủ điều kiện lưu hành.

Thực tế cho thấy, tại một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng..., có những chủ cơ sở kinh doanh buôn bán sắt thép, vật liệu xây dựng tàng trữ hàng chục xe máy hết “đát” rồi thuê người chở hàng cồng kềnh. Những chiếc xe này hầu như không còn giá trị, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, họ sẵn sàng bỏ xe lại. Vì thế, nếu hỗ trợ bằng tiền hay hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thì cấp chính quyền cơ sở cần phải “xắn tay” vào cuộc làm công khai, chặt chẽ, bảo đảm hỗ trợ đến đúng địa chỉ người nghèo thực sự. Làm như vậy, việc thu hồi, chuyển giao mới có những kết quả thực chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm có câu trả lời của cơ quan chức năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.